Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho nữ lao động di cư trong khối ASEAN
08:32 PM 14/11/2022
(LĐXH)- Ngày 14/11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức lễ công bố Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong Luật pháp và chính sách của các quốc gia thành viên ASEAN”.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan; Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti và Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen đồng chủ trì lễ công bố.

Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong Luật pháp và chính sách của các Quốc gia thành viên ASEAN” là hoạt động thuộc Kế hoạch công tác của Ủy ban thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) giai đoạn 2021-2025 do Việt Nam chủ trì với sự hỗ trợ của Chương trình Di cư an toàn và công bằng (Safe and Fair) thuộc chương trình hợp tác ASEAN/ILO và Ban Thư ký ASEAN.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng, lao động di cư là một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á và di cư trong nội khối hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới 1/3 trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào năm 2022.
Lao động di cư đem lại lợi ích kinh tế cho nước tiếp cử và phái cử, đáp ứng nhu cầu lao động thiếu hụt, giảm áp lực giải quyết việc làm lên thị trường lao động, chuyển giao công nghệ, tăng cường kỹ năng và tăng trao đổi ngoại tệ.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại buổi lễ
Theo Thứ trưởng, Báo cáo đã đưa ra một nghiên cứu tổng quát về vị trí luật pháp, chính sách, chương trình và các hoạt động thực thi pháp luật tại các quốc gia thành viên ASEAN, các quy định cụ thể dành cho lao động nữ và tác động tới nữ lao động di cư. Việt Nam luôn chú trọng đến tính nhạy cảm giới trong luật pháp, chính sách quốc gia và chủ trì nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm cải thiện bình đẳng giới, thúc đẩy quyền của người lao động trong nước và khu vực.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhanh chóng, đáp ứng giới cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài và đã được ghi nhận trong Báo cáo.
Gần đây nhất, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sửa đổi năm 2020 đã lồng ghép để giải quyết các vấn đề về giới, bất bình đẳng giới vào những nội dung chính sách như bổ sung các hình thức hợp đồng; minh bạch hóa việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ các hoạt động mang tính chất phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài; phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức cho lao động nữ di cư; nhắc đến các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ nông thôn và phụ nữ thuộc nhóm yếu thế khác; quy định rõ việc người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị ngược đãi, quấy rối tình dục…
Các đại biểu công bố và ra mắt Báo cáo khu vực về “Nữ lao động di cư trong Luật pháp và chính sách của các Quốc gia thành viên ASEAN”.
Chia sẻ với các đại biểu, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho biết, bản Báo cáo đã nêu bật lên các rủi ro và cơ hội cho nữ lao động di cư trên tinh thần lấy phụ nữ làm trung tâm, có yếu tố đáp ứng giới; đem lại kết quả từ công tác phân tích giới trong lao động di cư, đóng góp vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ quyền của nữ lao động di cư.
Đây là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ về những mối quan tâm, cùng đưa ra các giải pháp thiết thực, thúc đẩy hợp tác liên ngành nhằm tăng cường quyền năng và bảo vệ tốt hơn cho người lao động di cư tại từng nước tiếp nhận, phái cử và trên cả khu vực.
Thông qua bản Báo cáo, các quy định hiện hành của lao động di cư từ các quốc gia trong khu vực được phản ánh đầy đủ, bao gồm các lỗ hổng trong công tác lập pháp, bài học kinh nghiệm, cơ hội và thách thức, công tác bảo vệ quyền lợi cho người lao động di cư từ trước khi xuất cảnh đến sau khi nhập cảnh của từng quốc gia./.
PV
TAG:
Tin khác
Báo Indonesia quan tâm đặc biệt tới tiền đạo Brazil sắp nhập tịch Việt Nam
Bị bắt làm bài tập về nhà, cậu bé báo cảnh sát bố tàng trữ thuốc phiện
Thích chụp ảnh selfie, mẹ giúp con trai thoát án oan 99 năm tù
TikTok chính thức 'bay màu' tại Mỹ sau lệnh cấm
Trải nghiệm cận Tết ở Hà Nội: Góc nhìn của cô gái Pháp 20 tuổi - Ngày 18/1
Chuyến tàu định mệnh: Màn kịch tình yêu che đậy âm mưu giết vợ lấy bảo hiểm
Nhân viên xin nghỉ ốm nhiều, ông chủ thuê thám tử điều tra
Cô gái kiếm tiền nhờ việc kiểm tra lòng chung thủy của đàn ông
Ngôi làng Trung Quốc trả 'thưởng Tết' cho người dân hàng chục ngàn tệ