Bảo đảm quyền lợi cho lao động nước ngoài khi tham gia BHXH
(LĐXH)- Quy định tham gia BHXH cho người lao động nước ngoài được đánh giá là cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động cũng như doanh nghiệp.
Việc áp dụng chính sách BHXH đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc ở Việt Nam rất cần thiết. Luật BHXH năm 2014 quy định đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - TBXH, số lượng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng, nhất là từ năm 2016 - 2018. Hiện cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động. Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp áp dụng chính sách tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài vẫn chưa thực hiện, thậm chí có những tình huống cụ thể phát sinh trong thực tế, khiến doanh nghiệp và người lao động bối rối, không biết giải quyết ra sao…
Để tháo gỡ những vướng mắc trên và bảo đảm quyền lợi của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. Theo đó, đối tượng, công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Nghị định quy định, từ ngày 1/1/2022, đối tượng điều chỉnh của Nghị định sẽ đóng hàng tháng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó (thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản).
Mặc dù Nghị định có hiệu lực từ 1/12/2018, nhưng phải tới ngày 1/1/2022, người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc mới phải đóng 8% tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trường hợp người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động cũng không thuộc trường hợp phải đóng BHXH bắt buộc.
Song để bảo đảm quyền lợi người lao động, từ ngày 1/12/2018 – 31/12/2021, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động, đóng 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Như vậy, tổng mức BHXH phải đóng của người sử dụng lao động trong thời điểm này là 3,5%. Còn từ ngày 1/1/2022, hàng tháng, người sử dụng lao động vẫn tiếp tục đóng 3,5% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động vào quỹ ốm đau, thai sản và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, sẽ đóng thêm 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Như vậy, lộ trình kéo giãn đến năm 2022 mới thực hiện hai chế độ dài hạn hưu trí, tử tuất đã giúp các doanh nghiệp tham gia BHXH có điều kiện và thời gian thực hiện các chính sách tốt hơn. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người nước ngoài tham gia BHXH tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - TBXH cùng với BHXH Việt Nam đàm phán các hiệp định song phương về BHXH thế hệ mới; các cơ quan liên quan thực hiện đàm phán với các đối tác để vừa xử lý việc tránh đóng trùng, vừa bảo đảm quyền lợi được hưởng của người tham gia BHXH.
Đặc biệt, để bảo đảm quyền lợi cho lao động nước ngoài khi tham gia BHXH, mới đây (ngày 7/3/2019), BHXH Việt Nam đã có Công văn 679/BHXH-BT về việc hướng dẫn thu BHXH bắt buộc đối với lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam (quy định tại Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP). Theo đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP. Mức đóng, phương thức đóng của người lao động, đơn vị sử dụng lao động; tiền lương làm căn cứ đóng, thực hiện theo quy định tại các Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP. Hồ sơ, biểu mẫu quản lý thu BHXH được thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam; tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 888/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 của BHXH Việt Nam; hồ sơ và các biểu mẫu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu Ban Thu, Ban Sổ - Thẻ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc BHXH tỉnh, thành phố triển khai thực hiện theo quy định; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mẫu biểu thu và mẫu sổ BHXH đối với lao động là công dân nước ngoài. Trung tâm Công nghệ thông tin có trách nhiệm điều chỉnh phần mềm quản lý thu - sổ thẻ (TST) để BHXH các địa phương tổ chức thực hiện công tác thu, quản lý thu BHXH; cấp và quản lý sổ BHXH đối với lao động là công dân nước ngoài theo đúng quy định. Hướng dẫn các đơn vị cung cấp dịch vụ kê khai hồ sơ điện tử điều chỉnh phần mềm, đảm bảo kê khai tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động là công dân nước ngoài theo quy định.Các đơn vị khác thuộc BHXH Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện phối hợp, hướng dẫn, quản lý việc thu BHXH đối với lao động là công dân nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc.
BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động nắm bắt, xác định đối tượng tham gia BHXH là công dân nước ngoài để hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động là công dân nước ngoài theo đúng quy định. Sử dụng mẫu biểu theo mẫu quy định bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trường hợp đơn vị có cả lao động là người Việt Nam và lao động là công dân nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thì lập thêm mã thứ hai để theo dõi, quản lý thu BHXH đối với lao động là công dân nước ngoài.
Chí Tâm
TAG: