Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu khai tại lễ trao giải
Quyền trẻ em là một trong những nội dung nhân quyền được Đảng và Nhà nước, các tổ chức xã hội ở Việt Nam đặc biệt quan tâm và thực thi trong cuộc sống. Báo chí có vai trò đi đầu và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong xã hội, trong việc thông tin về trẻ em, về thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, phản ánh những thành tựu cũng như những bất cập của chính sách và thực hiện chính sách bảo vệ quyền trẻ em, kiến nghị những giải pháp để việc thực hiện chính sách bảo vệ quyền trẻ em được tốt hơn. Bên cạnh tính tích cực, việc đưa tin, truyền thông về công tác trẻ em vẫn còn một số hạn chế, bất cập, thậm chí gây không ít băn khoăn trong dư luận. Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã được kí kết, được sự hỗ trợ của tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), Giải thưởng Báo chí về trẻ em đã chính thức được phát động từ tháng 6/2017 trên quy mô cả nước.
Ngày 6/4, tại Hà Nội, Ban Tổ chức đã trang trọng tổ chức trao “Giải thưởng Báo chí về trẻ em”. Đến dự có lễ trao giải có ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em; ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đại biểu, các tác giả đạt giải.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao giải nhất cho tác phẩm "Xâm hại tình dục trẻ em: Hãy lên tiếng" của nhóm tác giả thuộc Báo Nhân dân
Ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), Phó Ban tổ chức cuộc thi cho biết, mặc dù đề tài viết về trẻ em là một chuyên ngành tương đối hẹp nhưng con số 250 tác phẩm của hơn 100 tác giả và nhóm tác giả đã thể hiện sự quan tâm của đội ngũ những người cầm bút trong quá trình thâm nhập vào thế giới của trẻ em, phản ánh mọi thực trạng các vấn đề liên quan đến trẻ để góp phần nói lên tiếng nói, nâng cao nhận thức, đưa ra giải pháp để phát huy những điều tốt đẹp và từng bước giải quyết triệt để những bất cập, tồn tại, hướng tới sự phát triển toàn diện cho mọi trẻ em.
Và 16 tác phẩm đạt giải khuyến khích
Theo đánh giá của Ban tổ chức, 36 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn để trao giải (gồm 4 giải Nhất, 8 giải Nhì; 8 giải Ba và 16 giải khuyến khích) đảm bảo bám sát các nội dung theo thể lệ đã ban hành; hình thức đáp ứng đặc trung của các loại hình báo chí. Mỗi tác phẩm chứa đựng những thông điệp khác nhau nhưng đều hướng tới phản ánh thực tiễn đời sống của trẻ em hiện nay. Bên cạnh những bài báo phản ánh gương điển hình với những hành động đẹp giúp đỡ nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lắng nghe tiếng nói trẻ em từ cộng đồng, còn có nhiều bài báo đi sâu vào mặt trái xã hội mà trẻ em phải chịu đựng. Không chỉ dày công tiếp cận hiện trường, thu thập thông tin để phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống của trẻ em, nhiều tác phẩm đã đi sâu phân tích và đưa ra giải pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn nữa trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, Ban Tổ chức vẫn cho rằng cuộc thi còn ít bài viết về những tấm gương, điển hình tích cực trong công tác trẻ em; tâm tư, nguyện vọng của bản thân các em chưa được thể hiện rõ nét; mặt khác, các bài viết còn nặng quan điểm của chính tác giả...
Đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi viết về trẻ em, bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện Save the Children cũng ghi nhận vai trò quan trọng của báo chí. “Tôi thực sự mong rằng buổi lễ này là khởi đầu cho những hoạt động ý nghĩa trong những năm tiếp sau. Tôi tin rằng những nỗ mực không ngừng nghỉ của các nhà báo, các bạn sẽ có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng một tương lai tươi sáng cho mọi trẻ em”, bà Trưởng đại diện nhấn mạnh.
Đăng Doanh