An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bắc Ninh thực hiện các chính sách, tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
03:16 PM 28/08/2020
Thời gian qua, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật (NKT) và đạt được những kết quả tích cực, từng bước dỡ bỏ nhiều rào cản, tạo môi trường, cơ hội thuận lợi cho NKT tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng, vươn lên tự lực trong cuộc sống.
Để giúp NKT nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các ngành, địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến NKT, giúp NKT có cơ sở để triển khai và giám sát thực hiện. Việc giải quyết chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên, cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, chính sách giáo dục đối với trẻ khuyết tật cũng được thực hiện đầy đủ, đảm bảo theo quy định của Nhà nước.

Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật tỉnh Bắc Ninh
Theo báo cáo, toàn tỉnh Bắc Ninh thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho 35.200 NKT đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng là 15.385 người với kinh phí hàng năm là 86,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Cùng với các chương trình nhân đạo đã cung cấp hơn 2.000 xe lăn, hàng nghìn công cụ hỗ trợ khác như: nạng, máy trợ thính, phần mềm cho người mù sử dụng máy tính, điện thoại di động… hỗ trợ xây nhà, tặng xe đạp, học bổng cho con của người khuyết tật… Cùng với đó, các địa phương cũng đã hỗ trợ NKT tiếp cận dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức, nhất là trẻ em, NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp với dạng tật, phát hiện, can thiệp sớm, kịp thời trường hợp khiếm khuyết ở trẻ sơ sinh.
Trong những năm qua, các địa phương đã không ngừng quan tâm công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT nhưng số lượng NKT được học nghề còn quá ít, tỷ lệ tìm được việc làm sau dạy nghề còn rất thấp, chủ yếu là tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm trong các cơ sở mang tính nhân đạo, từ thiện với các công việc đơn giản như tăm tre, chổi đót, chăn nuôi, trồng trọt, xoa bóp bấm huyệt, kinh doanh bán hàng… UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để NKT tiếp cận các dịch vụ giáo dục, vận động, tiếp nhận học sinh khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập. Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật được các trường thực hiện kịp thời, đảm bảo đầy đủ, đúng chế độ, tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật trong độ tuổi đi học có khả năng đến trường, có nhu cầu học tập đều được đi học. Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy trình chuyển tuyến, kết nối dịch vụ, hỗ trợ NKT theo quy định, đẩy mạnh triển khai mô hình giáo dục từ xa cho học sinh khuyết tật dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông.


Để bảo đảm trợ giúp người khuyết tật một cách lâu dài, bền vững và thật sự nhân văn phải triệt để hạn chế và đi đến xóa bỏ tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật bằng cách nâng cao hiểu biết pháp luật, đặc biệt là Luật Người khuyết tật cho mọi người, trước hết là người khuyết tật để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình, tự nâng cao vị thế của mình trong cộng đồng xã hội. Các sở, ngành tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực y tế đối với NKT, đặc biệt là người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; tạo điều kiện khám, cấp thuốc định kỳ hàng tháng cho đối tượng tâm thần; lập hồ sơ theo dõi, quản lý chăm sóc sức khỏe ban đầu nơi cư trú đối với NKT; tích cực phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương nhằm phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật; có chính sách đào tạo, bổ sung đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế chuyên về lão khoa, phục hồi chức năng, phát hiện sớm, can thiệp sớm...
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc tiếp nhận, nhập học và tạo điều kiện thuận lợi, nhất đối với trẻ em khuyết tật còn sức khỏe, có mong muốn được tham gia học tập; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hỗ trợ giáo dục đối với các lớp, trường có NKT tham gia học tập; có chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho giáo viên và biên soạn tài liệu chuyên môn giảng dạy trẻ khuyết tật; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và phục hồi chức năng tại cơ sở giáo dục hòa nhập và chuyên biệt cho trẻ khuyết tật. Tất cả những dịch vụ trên giúp người khuyết tật dễ hòa nhập cộng đồng, trên cơ sở đó bớt đi mặc cảm, tự vươn lên bằng chính năng lực của mình. Bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận một cách thuận lợi nhất các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, tham gia giao thông... Điều này đã được ghi rất rõ theo lộ trình thực hiện Luật Người khuyết tật cũng như trong Quyết định 250/QĐ-UBND ngày 8-7-2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Đề án trợ giúp Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020.../.

Nguyễn Thị Mai
 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương