Bắc Ninh tập trung thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính
(LĐXH)-Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực người thực hiện trợ giúp pháp lý và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh công tác phối hợp, các hoạt động truyền thông và kiểm tra, giám sát, bảo đảm người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Đó là mục tiêu mà tỉnh Bắc Ninh đặt ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Theo đó, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều hoạt động. Cụ thể là nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL. Hoạt động này sẽ xây dựng các chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện TGPL về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho người khuyết tật, đặc biệt là tư vấn chính sách đặc thù dành cho người khuyết tật và kỹ năng tham gia tố tụng (cụ thể từng dạng tật trong các lĩnh vực pháp luật phù hợp với thực tế của địa phương) ít nhất từ 01 đến 02 lớp/năm. Đơn vị chủ trì là Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước), phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Tỉnh sẽ thực hiện vụ việc TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, chú trọng thực hiện tư vấn chính sách đặc thù cho người khuyết tật ở các dạng tật khác nhau và vụ việc tham gia tố tụng với mục tiêu đảm bảo trên 100% người khuyết tật thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ cung cấp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu. Cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực.
Thực hiện truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, tỉnh Bắc Ninh sẽ truyền thông về hoạt động TGPL và quyền được TGPLcủa người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức truyền thông khác phù hợp với các dạng tật của người khuyết tật; lồng ghép việc truyền thông về hoạt động TGPL và quyền được TGPL của người khuyết tật với các Chương trình, Đề án khác về người khuyết tật ở địa phương, chú trọng những nơi có nhiều người khuyết tật, đặc biệt trẻ em là người khuyết tật; ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong hoạt động truyền thông.
Tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông có nội dung về chính sách TGPL và quyền được TGPL của người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Theo đó, băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc các ấn phẩm chuyên dụng khác có nội dung dành cho người khuyết tật; bảng thông tin, hộp tin, tờ thông tin về TGPL, tờ gấp pháp luật có nội dung TGPL cho người khuyết tật được cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật.
Đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông về TGPL trong dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4) và ngày Người khuyết tật thế giới (3/12) bằng các hình thức thích hợp. Các sản phẩm truyền thông được thực hiện là phóng sự, Pano, băng rôn tuyên truyền, tọa đàm....
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật, khuyết tật có khó khăn về tài chính; khảo sát, đánh giá kết quả, nhu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Với những hoạt động trên, kinh phí thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính được tỉnh Bắc Ninh bố trí trong ngân sách hàng năm của địa phương; các Chương trình mục tiêu quốc gia; các Chương trình, Đề án liên quan khác theo phân cấp của pháp luật về ngân sách Nhà nước; đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).
Tỉnh giao Sở Tư pháp, các Sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện tốt công tác TGPL, đáp ứng 100% nhu cầu TGPL của người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình phối hợp với Sở Tư pháp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
Tỉnh cũng giao Giao Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh./.
Mỹ Hạnh
TAG: