Bắc Ninh nỗ lực hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Tiếp tục tham gia thị trường lao động
Ông Nguyễn Nhân Chinh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Ninh, cho biết: Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là một quyết sách kịp thời, tác dụng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trước đại dịch COVID-19. So với gói hỗ trợ lần 1 (năm 2020), gói hỗ trợ lần này được mở rộng cả phạm vi, đối tượng và điều kiện hỗ trợ. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thể hiện sự chỉ đạo sát thực tiễn, tính đồng bộ, thể hiện nhân văn, ưu việt của chế độ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Các chính sách hỗ trợ không chỉ là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại, mà còn giúp người lao động, doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động.
“Nghị quyết thể hiện tính nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữa ngân sách Nhà nước, huy động cộng đồng” - Giám đốc Nguyễn Nhân Chinh, nhận xét.
Người lao động tỉnh Bắc Ninh đã được hỗ trợ kịp thời theo Nghị quyết 68/NQ-CP
Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tỉnh đã giảm mức đóng đối với 6.789 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 375.264 lao động; số tiền giảm đóng (tháng 7,8,9,10) là 48,23 tỷ đồng. Số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 khoảng 144 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đã hỗ trợ 04 đơn vị sử dụng lao động, với 1.503 người lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng 1,84 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, hiện tại, tỉnh Bắc Ninh chưa có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tỉnh đã phê duyệt, hỗ trợ 53 doanh nghiệp, với 684 lao động, số tiền hỗ trợ 2,77 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ thêm người lao động mang thai 22 người, trẻ em dưới 6 tuổi 263 trẻ).
Về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, Bắc Ninh đã phê duyệt và hỗ trợ 214 doanh nghiệp, với 7.821 lao động, số tiền hỗ trợ 11,58 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ thêm mang thai là 346 người, trẻ em dưới 6 tuổi là 3.416 trẻ).
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hiện tại, tỉnh Bắc Ninh chưa có đối tượng để hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, tỉnh phê duyệt, hỗ trợ 5.797 người, số tiền 9,32 tỷ đồng (trong đó có 999 người thuộc diện F0, số tiền 1,5 tỷ đồng; 4.798 người thuộc F1, số tiền 6,98 tỷ đồng; hỗ trợ thêm 838 trẻ em, số tiền 838 triệu đồng).
Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch, phê duyệt, hỗ trợ 43 người, số tiền 159,5 triệu đồng (trong đó viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề hạng IV 22 người, số tiền 81,6 triệu đồng; 21 người là hướng dẫn viên du lịch, số tiền 77,9 triệu đồng).
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, phê duyệt, hỗ trợ 168 hộ kinh doanh, với số tiền 504 triệu đồng.
Chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, phê duyệt và cho vay 34 đơn vị, với 21.510 lao động, số tiền đã được phê duyệt vay 83,64 tỷ đồng…
Người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách
Thực hiện chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116 và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng 1% vào quỹ đối với 5.873 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 375.341 lao động, số tiền giảm đóng tháng 10/2021 là 24,09 tỷ đồng, số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng từ tháng 10/2021 đến tháng 09/2022 khoảng 289 tỷ đồng.
Thực hiện hỗ trợ cho người lao động đang tham gia BHTN, tỉnh đã tiến hành rà soát và gửi thông báo, kèm danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 5.873 đơn vị, với 375.341 lao động. Số đơn vị đã gửi đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ 3.264 đơn vị, với 233.914 lao động (bằng 55,57% tổng số đơn vị và 62,3% số lao động đang tham gia BHTN đã nhận danh sách theo mẫu số 01 do cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi); trong đó, có 89 lao động đang tham gia BHTN đã tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Đối với người lao động đã dừng tham gia đề nghị hưởng hỗ trợ là 17.438 người.
Kết quả, tính đến ngày 3/11, toàn tỉnh đã giải quyết hỗ trợ cho 219.303 lao động (bằng 87,24% tổng số lao động đề nghị hưởng), trong đó đang tham gia BHTN là 213.280 người và đã dừng tham gia là 6.023 người; từ chối giải quyết đối với 6.054 người do không thuộc đối tượng hoặc cần điều chỉnh thông tin (bằng 2,4% số lao động đề nghị hưởng hỗ trợ). Đến nay, đã chi trả hỗ trợ đối với 217.748 người (bằng 99,29% số người đã giải quyết hỗ trợ), với số tiền hơn 500,89 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Để tạo thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp, đơn vị nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN, Bảo hiểm Xã hội tỉnh nhận hồ sơ đề nghị trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội, qua bưu điện, trực tuyến. Với hình thức trực tuyến, người lao động, doanh nghiệp, đơn vị có thể gửi hồ sơ trên cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội hoặc qua ứng dụng VssID.
Đối với người lao động đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021, cơ quan BHXH sẽ gửi danh sách đến doanh nghiệp cho người lao động đối chiếu và cung cấp thông tin tài khoản cá nhân để nhận chi trả nhanh nhất. Qua phần mềm quản lý, BHXH tỉnh rà soát, giám sát chính xác đối tượng, thời gian thụ hưởng, không để trục lợi chính sách.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ, thủ tục giúp người lao động dễ dàng tiếp cận và nhận trợ cấp kịp thời, đúng quy định” - Giám đốc Phạm Đức Cường, thông tin.
Đức Anh
TAG: