An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bắc Kạn thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo
06:55 PM 28/08/2024
Tại tỉnh Bắc Kạn, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo sau 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tỉnh Bắc Kạn dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 19,65%, với tổng số 16.177 hộ nghèo.
Kiểm tra việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo tại huyện Pác Nặm
Trong giai đoạn 2021-2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 760,8 tỷ đồng. Tính đến hết 31/5/2024 đã giải ngân 478,93/760,8 tỷ đồng, đạt 62,95% kế hoạch. Ngay từ đầu giai đoạn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung triển khai đồng bộ các dự án của Chương trình, hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo từng bước được cải thiện làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Kết quả thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra (năm 2022 giảm 2,66%, năm 2023 giảm 2,76%). Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,45%. Mức độ thiếu hụt các  dịch xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo năm sau giảm so với năm trước.
Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, tỉnh Bắc Kạn bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện Chương trình tối thiểu 03% trên tổng nguồn vốn trung ương; phân bổ đầy đủ, kịp thời các ngồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo cho các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện. Đối với Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, đã đầu tư 54 công trình, trong đó 35 công trình đường giao thông, 09 công trình giáo dục, 03 công trình nhà văn hóa, 04 công trình thủy lợi, 03 công trình y tế đạt. Đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong giai đoạn năm 2021-2024, tỉnh đã hỗ trợ triển khai 263 dự án phát triển sản xuất, trong đó có 47 dự án hỗ trợ trồng trọt, 211 dự án chăn nuôi, 5 dự án phát triển lâm nghiệp; tổng số hộ tham gia dự án là 6.193 hộ, trong đó có 3.406 hộ nghèo, 1.124 hộ cận nghèo, 478 hộ mới thoát nghèo, 1.185 hộ khác.

Mô hình dự án nuôi dê sinh sản tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm

Thực hiện Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất và cải thiện dinh dưỡng, trong đó có Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai 106 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với tổng số 2.445 hộ tham gia, trong đó có 1.222  hộ nghèo (chiếm 50%), 508 hộ cận nghèo (chiếm 20,7%), 356 hộ mới thoát nghèo (chiếm 14,3%), hộ khác 359 hộ (chiếm 15%). Đối với Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, đã triển khai thực hiện hỗ trợ làm nhà ở cho 196 hộ, trong đó: xây mới 152 hộ, sửa chữa 44 hộ.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khác, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 109.504 lượt  học sinh với kinh phí 237,9 tỷ đồng; cấp thẻ BHYT cho 314.051 đối tượng chính sách xã hội; tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 237 điểm/129 lượt xã, với  8.798 người tham dự; hỗ trợ tiền điện cho 221.804 lượt hộ, với tổng kinh phí thực hiện 36,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2024 có 46.043 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối  tượng khác đang vay vốn, dư nợ 3.355 tỷ đồng.
Tuy nhiên bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 ở Bắc Kạn còn một số khó khăn, hạn chế như: Tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân thấp; Tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt mục tiêu của Chương trình. Nguyên nhân là do trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương đã gặp nhiều khó khăn,  vướng mắc liên quan đến các quy định về thể chế, tổ chức thực hiện. Nguồn vốn thực hiện Chương trình chủ yếu là ngân sách trung ương bổ sung cho ngân sách địa phương, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hạn chế do nguồn thu của tỉnh thấp chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư của Chương trình nên một số mục tiêu chưa đạt theo yêu cầu. Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, ngoài mức hỗ trợ của Chương trình không có chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên rất khó khăn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo làm được ngôi nhà đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; do có sự khác nhau về chính sách giữa các Chương trình MTQG nên người dân so sánh, lựa chọn để  được hưởng mức cao hơn, dẫn đến phải điều chỉnh danh sách hỗ trợ nhiều lần, ảnh hướng đến tiến độ thực hiện theo kế hoạch.
Tỉnh đã thực hiện 5 dự án hỗ trợ lâm nghiệp
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét, thiết kế Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu  dự án 1 Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thành một Dự án của Chương trình, nội dung thực hiện chia thành hai tiểu dự án: Tiểu dự án hỗ trợ phát  triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp; xem xét thiết kế lại Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững theo hướng tinh gọn, rõ ràng nội dung, đối tượng, địa bàn thực hiện; đồng thời không trùng lặp nội dung, đối tượng thực hiện với các Chương trình MTQG khác./.
Thu Hương
TAG:
Tin khác
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Thái Nguyên không ngừng nâng cao hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xóa nhà tạm, nhà dột nát phải phân công rõ người, rõ việc
Câu lạc bộ Nhà báo Xứ Nghệ tại TPHCM: Trao tặng 400 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó