An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bắc Kạn phấn đấu giảm từ 2 - 2,5% hộ nghèo trong năm 2022
11:29 AM 23/03/2022
(LĐXH) – Theo Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2%-2,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021- 2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm bình quân từ 3,5%-4% trở lên; Giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%.
Năm 2021, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Các Chương trình, dự án giảm nghèo đã thu được những kết quả tích cực. Các chương trình giảm nghèo năm 2021 được thực hiện gồm: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; y tế; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ thụ hưởng văn hóa thông tin; nhà ở; tiền điện. Chương trình 30a và Chương trình 135 đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… Tổng nguồn vốn đầu tư năm 2021 bao gồm cả phần chuyển từ năm 2020 sang là trên 30 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên 1.139 tỷ đồng. Cuối năm 2021, UBND tỉnh triển khai giao cho các đơn vị, địa phương trên 13 tỷ đồng. Trong năm, toàn tỉnh Bắc Kạn có 11.884 hộ nghèo, 6.762 hộ cận nghèo, 1.829 hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm… Đến hết năm 2021, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 5.500/6.000 lao động đạt 91,6% kế hoạch.

Anh Đinh Văn Tỷ, thôn Pác Liển, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm được vay vốn tín dụng chính sách
để thực hiện mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo

Kết quả rà soát, năm 2021 tổng hộ nghèo của tỉnh theo Quyết định số 59/2015 của Thủ tướng Chính phủ là 13.867 hộ, chiếm tỷ lệ 17,02%, giảm 1,48% so với năm 2020; hộ cận nghèo là 8.239 hộ, chiếm tỷ lệ 10,11%, giảm 0,35% so với năm 2020. Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tổng hộ nghèo là 21.946 hộ, chiếm 26,93%; hộ cận nghèo 7.935 hộ, chiếm 9,74%.  
Mục tiêu năm 2022 của tỉnh là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm bình quân 3,5-4%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%. 
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2022, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo chung, như: Chính sách dạy nghề, tạo việc làm; Chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; Chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo; Chính sách hỗ trợ về nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường; Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, cận nghèo… Và các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, như: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác giảm nghèo năm 2022 tỉnh Bắc Kạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn phải sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, chủ quan nêu trên, chủ động triển khai, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ để công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt trong thời gian tới. Cụ thể là: Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác giảm nghèo ngay từ đầu năm, trước mắt triển khai thực hiện ngay Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/12/2021 của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ sáu (khóa XII) về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; triển khai công tác lập kế hoạch (yêu cầu xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể từng việc, có ưu tiên trong thực hiện, lập danh sách hộ nghèo, nêu rõ nguyên nhân nghèo từ đó xác định giải pháp phù hợp,...); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương, cơ sở.
Tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Các địa phương chủ động, sớm đề xuất các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, nghiên cứu, xem xét mô hình nào đủ điều kiện có thể triển khai một số hoạt động trước khi được phân bổ kinh phí hỗ trợ, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Bắc Kạn hướng dẫn các xã, phường, thị trấn lựa chọn mô hình sản xuất, xây dựng hồ sơ đảm bảo phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất, có quy mô đủ lớn để sản xuất thành hàng hóa (có thể xem xét xây dựng mô hình liên kết giữa các địa phương), đồng thời tư vấn, giới thiệu doanh nghiệp/hợp tác xã có năng lực tham gia vào mô hình sản xuất để mô hình có tính khả thi, bền vững. Trong quá trình xây dựng mô hình, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng, đầy đủ cam kết với doanh nghiệp/hợp tác xã trong thực hiện mô hình.
Đối với các dự án đầu tư, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát danh mục dự án đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, phê duyệt dự án và chuẩn bị thủ tục đầu tư theo quy định, đảm bảo dự án có thể triển khai thực hiện ngay sau khi được phân bổ kinh phí. Yêu cầu các huyện, thành phố giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố Bắc Kạn làm đầu mối theo dõi, tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình.
Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên cơ sở xác định rõ nhu cầu đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp/hợp tác xã/các mô hình sản xuất trên địa bàn, đảm bảo đào tạo đúng nhu cầu, phát huy tác dụng của công tác đào tạo nghề.
Thực hiện rà soát, lập danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng hỗ trợ xóa nhà tranh tre, dột nát; nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo triển khai thực hiện được ngay khi được phân bổ kinh phí hỗ trợ…/.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương