nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)
Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 04 nghĩa trang liệt sĩ với tổng 372 mộ, trong đó có 01 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh (224 mộ); 03 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện 148 mộ (Chợ Đồn: 33 mộ; Ngân Sơn: 74 mộ; Ba Bể: 41 mộ) và có 107 mộ liệt sĩ do gia đình quản lý.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, các huyện có Nghĩa trang liệt sĩ nêu trên đều lập sơ đồ mộ chí, chia khu, hàng cụ thể đảm bảo cho công tác quản lý và thuận lợi cho việc thăm viếng của các gia đình liệt sĩ và nhân dân trên địa bàn, việc cập nhật danh sách di chuyển mộ đi, đến đảm bảo kịp thời, đúng theo quy định. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh thực hiện di chuyển, tiếp nhận 25 mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ theo nguyện vọng của các gia đình liệt sĩ (di chuyển 07 mộ liệt sĩ, tiếp nhận 18 mộ liệt sĩ).
Công tác quản lý, phối hợp chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ luôn được các địa phương quan tâm thực hiện, cụ thể: Nghĩa trang được liệt sĩ tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông quản lý theo phân cấp. Theo đó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thực hiện quản lý nhà nước về công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, ban hành nội quy, quy định thăm viếng và ký 01 hợp đồng lao động trực tiếp thực hiện chăm sóc, vệ sinh khuôn viên nghĩa trang. Đồng thời, giao Đoàn thanh niên phối hợp với các đơn vị trường học thường xuyên tổ chức quét dọn, vệ sinh, chăm sóc nghĩa trang. Đối với công trình ghi công liệt sĩ cấp huyện (Nghĩa trang liệt sĩ, Đền, Đài tưởng niệm liệt sĩ) giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố hoặc đơn vị liên quan khác trực tiếp quản lý, chăm sóc. Đối với Nhà bia ghi tên liệt sĩ cấp xã giao cho Công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức đoàn thể, trường học hoặc thuê 01 người trực tiếp quản lý, chăm sóc tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công ngày 09 tháng 12 năm 2020; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quyết định ban hành Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND ngày 19/7/2023 (thay thế Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn).
Nhìn chung, Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND ngày 19/7/2023 được ban hành là phù hợp, đảm bảo nội dung quản lý các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (Điều 152 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn”). Theo đó, tại Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND đã quy định rõ ràng phạm vị, đối tượng, phân cấp, nội dung quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, trách nhiệm thực hiện cụ thể của các cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan, trách nhiệm của người làm công tác chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Từ năm 2021 đến nay từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công hỗ trợ, kinh phí được cấp có thẩm quyền giao, ngân sách vận động khác, toàn tỉnh đã thực hiện xây mới 03 Nhà bia ghi tên liệt sĩ từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa (gồm Nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Sơn Thành, huyện Na Rì và Nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Quảng Chu, xã Bình Văn, huyện Chợ Mới), với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách huyện hỗ trợ 1,215 tỷ đồng, nguồn huy động xã hội hóa là 185 triệu đồng); sửa chữa 46 công trình ghi công liệt sĩ từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với tổng kinh phí 17,76 tỷ đồng.
Với sự chăm sóc chu đáo các công trình ghi công liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện được mong muốn là thể hiện, bày tỏ lòng tự hào, nêu cao đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới người có công với cách mạng, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc./.
Mỹ Hạnh