Bắc Giang: Triển khai hiệu quả Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo
(LĐXH)- Tỉnh Bắc Giang đang chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tạo điều kiện để hộ nghèo, người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện dự án, qua đó vươn lên thoát nghèo.
Mô hình phát triển sản xuất đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nghèo trong tỉnh
Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Bắc Giang được phân bổ kinh phí từ ngân sách trung ương là 49.074 triệu đồng để thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và 42.198 triệu đồng để thực hiện Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng.
Căn cứ các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương về triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục PTNT là đầu mối tham mưu, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến chương trình. Thường xuyên phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực chương trình) trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch đồng thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ.
Năm 2021, tỉnh thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc dự án 3 trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 là Yên Thế và Lục Ngạn với kinh phí 540 triệu đồng. Năm 2022, thực hiện tiểu dự án 1. hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc dự án 3 cho 10 huyện, thành phố kinh phí 6.034 triệu đồng.
Căn cứ nguồn vốn thực hiện được giao năm 2021, 2022, các địa phương đã đăng ký chuyển nguồn sang thực hiện trong năm 2023. Hiện nay, UBND các huyện, thành phố đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát nhu cầu, đối tượng thực hiện làm căn cứ phân bổ vốn đến các chủ đầu tư.
Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về Ban hành Quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025; Ban hành công văn về việc triển khai thực hiện tiểu dự án 1: hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025.
Đến thăm mô hình nuôi gà tại xã Tiến Thắng (huyện Yên Thế), chúng tôi đã thấy được niềm vui, sự phấn khởi của những hộ dân được hỗ trợ từ mô hình. Xã Tiến Thắng có 3 thôn đặc biệt khó khăn gồm: Rừng Chiềng, Song Sơn, Hố Luồng với hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số (Nùng, Tày, Sán Dìu). Năm 2022, toàn xã còn 85 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,04%, giảm 1,78% so với năm 2021 và giảm 29,5% so với năm 2015 (năm đầu thực hiện rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều). Có được kết quả này là nhờ sự phân bổ, lồng ghép các nguồn lực hợp lý. Bình quân mỗi năm, xã được phân bổ khoảng 7 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, tỉnh, huyện cho thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đầu tư cho hạ tầng cơ sở, xã ưu tiên dành hơn 3 tỷ đồng cho các dự án hỗ trợ sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo phù hợp với thế mạnh địa phương và nhu cầu thực tế của người nghèo.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai 200 dự án, mô hình giảm nghèo với hơn 49 nghìn lượt hộ nghèo tham gia. Một số dự án hiện vẫn duy trì hiệu quả như: Nuôi bò sinh sản tại các xã: Đồng Tiến, Canh Nậu, Tiến Thắng, Đồng Hưu (Yên Thế); trồng cam, bưởi tại xã Lục Sơn (Lục Nam); nuôi dê, ong kết hợp trồng trọt tại xã An Bá, Phúc Sơn, Cẩm Đàn, Đại Sơn (Sơn Động). Có thể khẳng định, thành công lớn nhất của các dự án giảm nghèo là thực hiện việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi theo thời gian triển khai cụ thể và luân chuyển nguồn (dưới dạng vốn hoặc cây, con giống), giúp thêm nhiều người nghèo được tiếp cận với các mô hình sản xuất phù hợp. Cùng với đó là việc thay đổi phương thức hỗ trợ, chuyển từ cho không sang trợ giúp một phần, giúp đỡ có điều kiện đã khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ vào chính sách ưu đãi. Hộ nghèo nhận vốn, giống sẽ có trách nhiệm hơn, mạnh dạn và quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên giảm nghèo bền vững.
Để Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương thực hiện một cách có hiệu quả, tỉnh Bắc Giang đang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm cao hơn nữa trong công tác giảm nghèo, phải xác định làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, từ đó khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của mỗi người dân; tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo; xây dựng các mô hình điểm về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cần thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, tăng cường tuyên truyền các chính sách giảm nghèo đến người dân; tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; có phương án xoay vòng nguồn vốn để tái sản xuất, hạn chế phát sinh hộ nghèo và tái nghèo. Đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn./.
Hồng Phượng
TAG: