Bắc Giang: Thúc đẩy công tác Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, trong đó, các cấp ủy Đảng trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ và đã đạt được những kết quả tích cực.
Giai đoạn 2016 - 2020, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cử 160 cán bộ tham gia học đại học (nữ chiếm 21,8%), 405 cán bộ học trung cấp lí luận chính trị (nữ chiếm 32,8%), 273 cán bộ học cao cấp lý luận chính trị (nữ chiếm 37,5%) và bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2.403 cán bộ (trong đó có 1.021 cán bộ nữ, chiếm 42,5%)để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.569 cán bộ nữ là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, chiếm 42%. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, có trên 40 cán bộ nữ là lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Trong đó 01 đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 03 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương trước đây không có cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu là nữ, nay đã được kiện toàn, nhiều nữ cán bộ được phân công giữ các chức vụ lãnh đạo cấp phó Sở, ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt, công tác Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Bắc Giang vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ, giữ chức vụ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành tuy có tăng so với trước đây, nhưng vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn nhân lực nữ của tỉnh. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, luân chuyển cán bộ nữ đã có nhiều cố gắng, nhưng số lượng cán bộ nữ được bổ nhiệm chưa cao. Ngoài ra vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên nhận thức về công tác cán bộ nữ chưa sâu sắc; Việc nhìn nhận đánh giá phụ nữ còn cầu toàn, khắt khe, chưa tạo điều kiện cần thiết cho cán bộ nữ vươn lên. Những quan niệm về giới và sự chênh lệch trong nhận thức về tiêu chuẩn dành cho nữ giới và dành cho vai trò lãnh đạo ảnh hưởng đến khả năng nhìn nhận hiệu quả công việc của phụ nữ. Một số cán bộ nữ chưa vượt qua được những cản trở về gia đình, ngại phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác quản lý cũng như những hoạt động xã hội, nên khó khăn cho công tác quy hoạch đào tạo, bố trí cán bộ.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác Bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, tạo nguồn lãnh đạo nữ các cấp, các ngành; Đổi mới, kiên quyết và kiên trì trong việc tạo nguồn, phát hiện nhân tố tích cực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ; Quan tâm tới công tác đề bạt, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm cán bộ nữ. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ;Xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ phù hợp với tình hình thực tiễn và có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ có hoàn cảnh khó khăn; Quan tâm giúp đỡ, động viên cán bộ nữ có hoàn cảnh khó khăn, có niềm tin, nghị lực tiếp tục công tác tốt hơn. Qua đó, góp phần thúc đẩy Bình đẳng giới, Vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc của gia đình và sự phát triển của xã hội,thu hẹp dần khoảng cách về giới, từng bước thực hiện hoàn thành các mục tiêu BĐG của Chính phủ đề ra./.
Minh Cảnh
TAG: