An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bắc Giang: Tăng cường các hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
03:24 PM 15/08/2024
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường các hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), như: Tư vấn giúp trẻ vượt qua mặc cảm về hoàn cảnh hiện tại để hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội; Hỗ trợ trẻ em tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em... góp phần đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, giúp các em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.
Tỉnh Bắc Giang có trên 480 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 3.800 trẻ em có HCĐB; 42 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, phần lớn là trẻ sống trong hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các Đề án, Chương trình, kế hoạch hành động về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó, đặc biệt quan tâm đến trẻ em có HCĐB. Các hoạt động công tác xã hội cũng được đẩy mạnh như: Tư vấn giúp trẻ vượt qua mặc cảm về hoàn cảnh hiện tại để hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội; Hỗ trợ trẻ em tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh và các nhà tài trợ tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động

Với chức năng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục, dạy nghề các đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khẩn cấp, đối tượng tự nguyện, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đang quản lý, chăm sóc 145 đối tượng là trẻ em mồ côi, nhiễm HIV, khuyết tật dạng nghe nói... Mỗi cháu bé là một hoàn cảnh nhưng đều rất đáng thương. Có cháu bị bỏ lại khi còn đỏ hỏn, có cháu mồ côi bị nhiễm HIV, còn cháu thì bại não chỉ nằm yên một chỗ… Những năm qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên của đơn vị luôn dành hết tình yêu thương, coi các cháu như con em trong gia đình để bù đắp những thiệt thòi mà các con phải gánh chịu, nuôi nấng, dạy bảo các con thành người có ích cho xã hội.
Chị Hoàng Thị Bình, người đã có hơn 20 năm làm công việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang cho biết, mỗi ngày của các chị bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 11giờ đêm để chăm lo từng bữa cơm, tắm giặt, vệ sinh cá nhân và giáo dục cho gần 30 đứa trẻ. Chưa kể những khi có bé bị ốm phải thức cả đêm để chăm sóc hay phải đưa các con vào bệnh viện. Đây là một công việc đầy nhọc nhằn, nhưng họ luôn cảm thấy hạnh phúc và ấm áp. Đối với các chị, dù có chăm sóc, yêu thương các con bao nhiêu cũng không thể bù đắp những nỗi đau mà chúng đang và sẽ phải trải qua, vì vậy, mọi người thường động viên nhau cố gắng thêm một chút để bù đắp thiệt thòi cho các con.
Các hoạt động công tác xã hội trợ giúp trẻ em yếu thế ở cộng động cũng được quan tâm đẩy mạnh. Mạng lưới cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội ở các xã, phường, thị trấn ngày càng hoàn thiện. Các nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội ở cơ sở thường xuyên đến gia đình trẻ em có HCĐB để tìm hiểu những khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ các em. Đồng thời, tích cực kết nối, vận động các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm ủng hộ cả về vật chất và tinh thần như: Ủng hộ sách, vở, đồ dùng học tập, tặng xe đạp cho các em đến trường... giúp các em ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Những hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc trẻ em có HCĐB đã góp phần mang lại sự công bằng, bình đẳng và giảm mức thấp nhất sự tổn thương cho trẻ em có HCĐB, giúp các em dần xóa bỏ những mặc cảm, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đến nay, tỷ lệ trẻ em có HCĐB trên địa bàn tỉnh còn dưới 2% trên tổng số trẻ em; trên 95% trở lên trẻ em có HCĐB được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 100% trẻ em bị xâm hại được hỗ trợ kịp thời về y tế, giáo dục, trợ giúp, ổn định cuôc sống, hòa nhập cộng đồng ngay sau khi phát hiện. Không có phát sinh trẻ em nhiễm HIV/AIDS...
Có thể thấy, những hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc trẻ em có HCĐB trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã góp phần mang lại sự công bằng, bình đẳng và giảm mức thấp nhất sự tổn thương cho trẻ em có HCĐB, giúp các em dần xóa bỏ những mặc cảm, từng bước vươn lên hòa nhập cộng đồng./.
Cảnh Hưng
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương