Bắc Giang: Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em
(LĐXH) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang vừa có công văn đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Cụ thể: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Sở, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 16/5/2016 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, đặc biệt là Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 26/6/2020 về việc chấn chỉnh và tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Chú trọng việc xây dựng “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, hộ gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa, cắm biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, giám sát chặt chẽ con em mình; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học, các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng, các bể bơi tư nhân trên địa bàn…
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Quan tâm chú trọng tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp; cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống, bảo vệ trẻ em, an toàn trong môi trường nước và kỹ năng bơi cứu đuối cho trẻ em.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, đuối nước.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em trên địa bàn để có biện pháp phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em như: làm rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm tại các mương nước, hố nước, giếng nước, bể chứa nước, các công trình đang thi công, sông, suối, ao, hồ, đặc biệt là các ao do hộ gia đình quản lý... Quan tâm, bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại địa phương; xây dựng, lắp đặt bể bơi, hồ bơi tại cộng đồng và trường học để triển khai việc dạy bơi cho trẻ em; xây dựng các nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi theo tiêu chuẩn.../.
PV
TAG: