Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bắc Giang nỗ lực thúc đẩy công tác bình đẳng giới
08:57 AM 22/12/2018
(LĐXH) -Thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực đẩy mạnh công tác bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về bình đẳng giới được nâng cao rõ rệt. Các cấp uỷ đảng đã cụ thể hoá nội dung bằng chương trình, hành động cụ thể, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ở mỗi cấp trong tỉnh, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân liên tục tăng sau mỗi nhiệm kỳ. Số lượng, chất lượng cán bộ nữ tham gia tại các cơ quan, sở, ban, ngành được nâng cao, từng bước trẻ hoá. Trong giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cấp tỉnh Bắc Giang là 15,09%, cấp huyện là 12,26% và cấp cơ sở là 16,53%. Số nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh chiếm 62,5% tổng số đại biểu, tăng 37,5% so với khóa XII. Đặc biệt, tỷ lệ các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 36,76%.
 Để nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động lồng ghép việc tuyên truyền các nội dung về bình đẳng giới trong các hoạt động của ngành, địa phương bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm, hái hoa dân chủ, giao lưu văn hóa văn nghệ, hội thi kết hợp cung cấp tài liệu theo chuyên đề; xuất bản ấn phẩm tuyên truyền... Ngoài ra, còn đăng tải các tin, bài, phóng sự tuyên truyền chính sách pháp luật về bình đẳng giới nói riêng và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung trên sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh thông qua các chuyên mục như: Giải đáp pháp luật, hộp thư truyền hình, chính sách mới..., qua đó đã đóng góp tích cực trong việc thông tin, tuyên truyền tới người dân, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, đồng thời phản ánh kịp thời nguyện vọng của nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền.

Đ/c Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh và Đ/c Lê Ánh Dương- Phó Chủ tịch UBND- Trưởng Ban VSTBPN tỉnh tại buổi tọa đàm Nữ lãnh đạo trong tình hình mới

tỉnh Bắc Giang năm 2018

 

Kết quả, tỉnh Bắc Giang đã giảm 80% các sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới, thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới được tăng lên, hiện 100% đài phát thanh, truyền hình tỉnh, địa phương có lồng ghép chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Trong tất cả các phương diện, có thể thấy, công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động đã được khẳng định và đạt nhiều kết quả nổi bật nhất. Nếu như thời gian trước, vị thế, vai trò của người phụ nữ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng, công tác giải quyết việc làm cho nữ giới vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập thì trong nhiều năm trở lại đây, nhờ những nỗ lực của phụ nữ trong khát vọng khẳng định bản thân cùng với sự quan tâm của các cấp ban, ngành, con số lao động nữ được đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng được cải thiện. Hằng năm, tỷ lệ lao động nữ của Bắc Giang được tạo việc làm mới đảm bảo đạt 50,71% tổng số người được tạo việc làm mới, vượt chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 21,6%; tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25,5%.
Song song với đó, Bắc Giang cũng tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ; kiến thức trong nuôi trồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; hướng dẫn về sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững. Thời gian qua, Hội phụ nữ các cấp đã giúp nhau trong sản xuất, đời sống, tạo nguồn lực giúp gần 700 nghìn lượt phụ nữ phát triển kinh tế, trị giá gần 520 tỷ đồng; thực hiện Cuộc vận động ủng hộ xây dựng nhà “Mái ấm tình thương” giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, qua đó đã hỗ trợ xây mới 403 nhà mái ấm tình thương trị giá 7,8 tỷ đồng. Bắc Giang đã thành lập được 958 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình với trên 23.800 hội viên tham gia tổ chức sinh hoạt đều đặn hàng tháng; trên 200 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, góp phần phát hiện, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình và chủ động phát hiện, tư vấn  cho người gây bạo lực gia đình.
Nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, hằng năm, tỉnh đã quan tâm cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn về bình đẳng giới. Trong đó, riêng Sở LĐTBXH chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức trên 60 hội nghị, hội thảo tập huấn nâng cao kiến thức về giới, bình đẳng giới cho 7.500 đại biểu là lãnh đạo các sở ban, ngành tỉnh; thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện; nữ lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố... Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các ngành (Y tế, Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Công an, Ban Dân tộc, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân...) đã tổ chức các hội nghị, tập huấn lồng ghép về chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên của đơn vị, địa phương, đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn.
Kết quả, 100% các dự thảo văn bản không có vấn đề bất bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới; 100% cán bộ làm công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật đều nắm chắc pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện tốt việc theo dõi, tham mưu lồng ghép giới trong xây dựng chính sách. Cùng với đó, tại Bắc Giang đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh có 01 cán bộ chuyên trách; cấp huyện có 01 cán bộ phòng LĐTBXH kiêm nhiệm; cấp xã có 01 công chức văn hóa xã hội kiêm nhiệm; cấp thôn chưa có đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên về bình đẳng giới ở cơ sở. Có 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các ngành, các cấp được tập huấn ít nhất một lần.
Để triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động của Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 1979/KH- UBND ngày 30/8/2011 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, một trong những nhiệm vụ được tỉnh Bắc Giang đặc biệt coi trọng là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới. Cụ thể, tỉnh sẽ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp, các ngành; trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, đơn vị; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới.../.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động