An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bắc Giang: Nhiều hoạt động trợ giúp người tâm thần, rối nhiễu tâm trí
10:31 AM 28/08/2024
(LĐXH) – Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, hàng năm có 90% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí (RNTT) tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm.
Bên cạnh đó, ít nhất 400 - 500 trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở giáo dục phục hồi chức năng và cơ sở trợ giúp xã hội; ít nhất 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.
Có 300 người tâm thần, người RNTT được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; 85% hộ gia đình người RNTT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định; 85% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 70% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị RNTT khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, cơ sở y tế; 50% gia đình có người tâm thần, 50% gia đình có trẻ em tự kỷ và người RNTT có nguy cơ cao bị tâm thần được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng; 90% cán bộ, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở và cộng đồng được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo, đào tạo lại bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Can thiệp, trị liệu cho trẻ RNTT ở Khoa Tâm bệnh và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Giang
Hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh công tác truyền thông đến cộng đồng, đặc biệt là các gia đình có người bị RNTT và các em học sinh phổ thông về vấn đề sức khỏe tâm thần thông qua nhiều hình thức, trong đó chú trọng đến: Tuyên truyền trên Website của Sở; trực tiếp tại cộng đồng, các thôn, bản, khu phố; In ấn và phát hành đến cộng đồng hàng ngàn tờ rơi, áp phích; Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài của Trung ương và tỉnh thực hiện nhiều phóng sự và đăng tin, bài về dịch vụ công tác xã hội trợ giúp các đối tượng liên quan đến lĩnh vực tâm thần, RNTT. Cùng với đó, phối hợp ngành Giáo dục – Đào tạo tổ chức truyền thông cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn về chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng chống hội chứng tự kỷ, RNTT; tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên hỗ trợ, trợ giúp giáo dục trẻ em tự kỷ, người chưa thành niên RNTT, gia đình về nghiệp vụ giáo dục trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên RNTT…
Chỉ tính trong 2 năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 07 lớp tập huấn kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, RNTT dựa vào cộng đồng cho 1.080 người là nhân viên y tế thôn, bản và 10 lớp tập huấn cho 420 người đại diện hộ gia đình có người tâm thần, người RNTT. Qua các hoạt động truyền thông, nhận thức của cộng đồng về vấn đề sức khỏe tâm thần đã được nâng cao, đồng thời giúp người dân biết, hiểu và tiếp cận được với các dịch vụ công tác xã hội trợ giúp cho đối tượng bị rối loạn tâm thần.
Bắc Giang cũng đã quan tâm mở rộng, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của Cơ sở chăm sóc Người tâm thần tỉnh; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng, trị liệu cho người tâm thần, RNTT nặng và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Cùng với đó, phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục trẻ em tự kỷ, người chưa thành niên RNTT, khuyến khích mở rộng các cơ sở ngoài công lập, để các gia đình có trẻ tự kỷ, RNTT dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ can thiệp, trị liệu. Đến nay, trên địa bàn đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, như: Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương; Trung Tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Happy House; Khoa Tâm bệnh và Phục hồi chức năng (Bệnh viên Sản – Nhi tỉnh)… đã giúp phát hiện và can thiệp sớm đối với hàng nghìn trường hợp trẻ em bị tự kỷ, tăng động, kém tập trung, chậm nói, chậm phát triển… giúp trẻ phát triển những khả năng tốt hơn và từng bước hòa nhập cộng đồng.
Với nhiều hoạt động được triển khai trên địa bàn, đã giúp những người có vấn đề về tâm thần, trẻ tự kỷ, người RNTT có cơ hội tìm lại cuộc sống bình thường. Góp phần giảm gánh nặng về tinh thần, kinh tế cho người bệnh, cho gia đình và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương./.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương