Bắc Giang: Nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019
(LĐXH) – Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019, với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 sẽ được tổ chức đảm bảo thiết thực, hiệu quả, lồng ghép các sự kiện khác để tạo hiệu ứng truyền thông rộng rãi trên địa bàn tỉnh, chú trọng hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để chuẩn bị cho Tháng hành động diễn ra từ 15/11/2019-15/12/2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động thông qua phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích. Tiến hành thanh, kiểm tra các hoạt động về thông tin, báo chí, xuất bản liên quan đến bình đẳng giới, xử lý nghiêm những hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin có định kiến về giới.
Bên cạnh đó, tổ chức diễn đàn đối thoại, tọa đàm, tập huấn, giao lưu văn nghệ, thể thao liên quan tới chủ đề của Tháng hành động; gặp mặt, biểu dương những điển hình và điểm sáng trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; huy động các nguồn lực hỗ trợ nạn nhân của bạo lực, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường giám sát liên ngành vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian diễn ra Tháng hành động năm 2019.
Việc triển khai Tháng hành động nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thời gian qua, công tác bình đẳng giới được các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất quan tâm. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh chiếm 65,5% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Tổng số đảng viên nữ toàn tỉnh là 25.197/83.887 đảng viên, chiếm 30% tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Tỷ lệ cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 51%.
Các hoạt động thực hiện bình đẳng giới trong gia đình được tổ chức rộng khắp từ cơ quan, đơn vị đến các địa phương trên địa bàn thông qua các phong trào, chương trình, hội thảo như: Hội thảo “Truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình”; Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... Nhiều mô hình thu hút sự tham gia của phụ nữ như: Phụ nữ làm kinh tế giỏi; Mô hình dịch vụ gia đình; ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Nhóm tư vấn cộng đồng; Địa chỉ tin cậy; Nhà tạm lánh… Tổng cộng toàn tỉnh đã thành lập trên 960 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình với trên 24.000 hội viên tham gia, tổ chức sinh hoạt đều đặn hàng tháng, góp phần tích cực trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái; Trên 200 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng góp phần phát hiện, giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình và chủ động phát hiện, tư vấn cho người gây bạo lực gia đình; 71% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; 77% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Tỉnh cũng tích cực triển khai thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030". Trong hơn 3 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 70.352 cuộc tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, trong đó lồng ghép phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới đối với 4 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ; 3.093 cuộc trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật đối với 254.447 hội viên; 17 cuộc tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm tìm hiểu pháp luật hình sự, phòng chống xâm hại tình dục phụ nữ - trẻ em, BHYT, BHXH, truyền thông phụ nữ với an toàn thực phẩm, với sự tham gia của hơn 2.000 người; Cấp, phát hàng chục nghìn cuốn sách, tài liệu về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thông tin phụ nữ; Đăng tải hơn 850 tin, bài, trang bị hơn 3.000 áp phích, gần 17.000 tờ rơi, hàng nghìn băng zôn tuyên truyền các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Thành lập 120 câu lạc bộ “Tình bạn”, CLB “Bạn gái”, CLB “Tiền hôn nhân”… Phối hợp tổ chức 25 buổi khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho hơn 3.600 lượt phụ nữ; tổ chức 32 buổi tư vấn về mất cân bằng giới tính khi sinh, tham gia 15 buổi tư vấn, hòa giải mâu thuẫn gia đình…/.
Cảnh Minh
TAG: