Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bắc Giang kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
10:02 AM 26/07/2022
(LĐXH)- Sáng 25/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm.
Trong diễn văn của mình, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, nhiệt liệt chào mừng và gửi những tình cảm tri ân sâu sắc và quý trọng nhất đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, bậc lão thành cách mạng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước trong toàn tỉnh.
Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm
Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, Bắc Giang vô cùng tự hào là quê hương anh hùng giàu truyền thống cách mạng. Nhân dân Bắc Giang anh dũng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Giang là vùng an toàn khu cách mạng của Đảng để chỉ đạo kháng chiến; đồng thời, góp công, góp sức nuôi giấu cán bộ, chăm sóc thương binh.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đóng góp lớn sức người, sức của cho tiền tuyến.
Những năm chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Bắc Giang là địa bàn quan trọng bảo vệ thủ đô, bảo vệ tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta, là địa phương có nhiều đơn vị quân đội đóng quân, có nhiều cơ quan, nhà máy của trung ương sơ tán.
Nhân dân các dân tộc Bắc Giang vừa trực tiếp tham gia chiến đấu vừa góp công, góp của, dành nhà ở của mình cho các cơ quan, đơn vị, ra sức phục vụ chiến đấu và sản xuất, góp phần chiến thắng kẻ thù, đồng thời thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và công tác thương binh - liệt sĩ.
Qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của đất nước, toàn tỉnh có trên 200 nghìn nam, nữ thanh niên đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 21 nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, 15 nghìn thương binh đã để lại một phần máu xương ngoài mặt trận; hàng nghìn bệnh binh và quân nhân xuất ngũ, thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam. Các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương, bệnh binh đã đem máu đào nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, làm xanh thắm thêm ruộng vườn quê hương.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; luôn coi công tác chăm sóc và thực hiện chính sách đối với người có công là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của các cấp, các ngành. Công tác giải quyết chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước đối với người có công được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.368 mẹ liệt sĩ đã được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"; 31 Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 181 cán bộ lão thành cách mạng; 416 cán bộ tiền khởi nghĩa; gần 21 nghìn liệt sĩ được công nhận, ghi danh; trên 21 nghìn thương binh, bệnh binh; gần 110 nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; trên 7,5 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được giải quyết hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.
Năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 51 về hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm trở lại đây, Bắc Giang luôn đi đầu trong toàn quốc về việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và liên thông thực hiện giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực người có công ở cả 3 cấp tỉnh - huyện - xã.
Cùng với giải quyết kịp thời các chế độ chính sách; cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang qua các thời kỳ luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, Bắc Giang đã là một trong những địa phương khởi nguồn của các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, lan toả khắp cả nước như: Phong trào “Hội mẹ chiến sĩ” ở thành phố Bắc Giang, phong trào “Áo lụa tặng bà”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa” ở huyện Việt Yên, phong trào “Trần Quốc Toản” ở huyện Tân Yên, phong trào “Vườn cây tình nghĩa” ở huyện Yên Thế,…
Tiếp nối truyền thống ấy, từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh đã tặng hơn 62 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa; gần 4,2 nghìn hộ người có công được tặng nhà tình nghĩa hoặc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; tất cả các Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đoàn thể nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Ngân sách tỉnh hằng năm đều dành kinh phí chăm lo cho người có công dịp Tết Nguyên đán, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay như: Thành lập tổ tình thương; nhận đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi, con thương binh nặng; vận động giúp đỡ các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn… do Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong làm nòng cốt. 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều được công nhận là xã, phường giỏi về công tác chăm sóc người có công.
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người con đã anh dũng của quê hương Bắc Giang hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, các địa phương trong tỉnh đã tích cực huy động mọi nguồn lực đóng góp để xây dựng, tu bổ nghĩa trang, nhà bia và các phần mộ liệt sĩ. Từ năm 1994 đến nay, trên 100 nghĩa trang, đền thờ và nhà bia liệt sĩ đã được xây dựng mới; hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ được tu bổ, nâng cấp khang trang, sạch đẹp với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Các huyện, thành phố đã đầu tư xây dựng mới đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhiều công trình đã trở thành trung tâm của các hoạt động văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương.
Đồng chí Lê Ánh Dương khẳng định: “Nối tiếp truyền thống anh hùng cách mạng và phát huy tinh thần 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua phấn đấu, đoàn kết một lòng, chung tay góp sức, nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Thực hiện tốt các chế độ chính sách và thường xuyên quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công; làm tốt công tác mộ - nghĩa trang liệt sĩ để thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “xây dựng xã, phường giỏi về công tác chăm sóc thương binh - gia đình liệt sĩ và người có công”./.
Minh Hà
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Đẩy mạnh Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thoát nghèo tại huyện Sơn Động
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn