Bắc Giang: Giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
(LĐXH) – Những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chính sách giúp phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế. Nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ đã mang lại hiệu quả cao, giúp tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hoa Lan, sinh năm 1985 ở thôn Phú Khê, xã Quế Nham, huyện Tân Yên được biết đến là một phụ nữ trẻ, năng động dám nghĩ, dám làm, đã khởi nghiệp thành công với mô hình nhà lưới trồng các loại rau, củ, quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tạo công ăn việc làm cho một số lao động.
Khi vừa tròn 20 tuổi, cô thôn nữ Nguyễn Thị Hoa Lan nên duyên vợ chồng với chàng trai cùng làng. Ngày ngày, hai vợ chồng chăm chỉ trồng trọt, canh tác trên mấy sào ruộng do bố mẹ để lại và nuôi đôi ba con lợn nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Cuộc sống gia đình vốn chẳng dư giả lại càng thêm khó khăn khi 2 người con trai lần lượt ra đời. Sau nhiều ngày suy tính, trăn trở tìm hướng đi mới, năm 2020, vợ chồng chị đã quyết định chuyển đổi ruộng về một khu và mua thêm ruộng của các hộ liền kề để xây dựng nhà lưới trồng các loại rau, củ, quả với hy vọng sẽ cho thu nhập ổn định hơn. Vậy là, đầu năm 2021, Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ Lan Phúc, chuyên cung cấp các loại rau, quả sạch của gia đình chị ra đời.
Chị Hoa Lan chia sẻ: “Những ngày đầu mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn từ vốn, vật tư, cây giống… đến kinh nghiệm sản xuất. Rất may mắn, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành về chuyên môn kỹ thuật và kinh phí. Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay 100 triệu đồng để đầu tư giống và phân bón”. Nhờ các nguồn hỗ trợ, anh chị đã đầu tư trên 600 triệu đồng xây dựng 4.000m2 nhà lưới, hệ thống khung sắt, kẽm dài, phủ bóng nhựa cứng, đầu tư hệ thống phun sương và tưới nhỏ giọt. Sau khi đầu tư, vụ đầu tiên anh chị trồng bắp cải, vụ thứ 2 gia đình trồng dưa chuột và thu được gần 40 triệu đồng. Hiện tại, HTX đang trồng dưa chuột giống Phú Điền 668 cho năng suất cao. Do quá trình canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm rau quả của HTX rất được người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ.
Bên cạnh việc trồng các loại rau củ thông thường, chị Hoa Lan còn thử nghiệm trồng giống dưa lê Hàn Quốc. Với khoảng thời gian từ 60 - 70 ngày/vụ, mỗi quả dưa lê Hàn Quốc nặng trung bình từ 0,5 - 1 kg, có thể canh tác được 3 vụ/năm. Hiện tại, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của chị có diện tích 4.000 m2 với hơn 10.000 gốc theo cách gối vụ, sản lượng thu hoạch bình quân đạt hơn 5 tấn/vụ, giá bán từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 300 triệu đồng/vụ. Ngoài trồng dưa trong nhà lưới, anh chị còn trồng 3 sào tỏi, 3 sào bí ngô bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài việc tăng thu nhập cho gia đình, còn tạo việc làm ổn định cho 7 chị em phụ nữ với thu nhập từ 6-6,5 triệu đồng/tháng. Năm 2022, chị Hoa Lan đã mạnh dạn đăng ký sản phẩm OCOP với sản phẩm Dưa lê Hàn Quốc được các cấp hướng dẫn quy trình hồ sơ đăng ký, tập huấn và ra mắt. Sản phẩm Dưa lê Lan Phúc của chị được trưng bày tại nhiều hội nghị giới thiệu quảng bá sản phẩm. Cuối năm 2022, sản phảm Dưa lê Lan Phúc của HTX sản xuất và tiêu thụ Lan Phúc xã Quế Nham đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Hay như chị Phùng Thị Bắc, sinh năm 1973 ở thôn Trung, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng cũng đã thành công với mô hình nhà xưởng sản xuất tán cầu lông nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trước đây, gia đình đình chị chỉ có 4 sào ruộng để sản xuất, không có nghề phụ nên hoàn cảnh kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, năm 2009 gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Nhiều đêm hai vợ chồng trăn trở suy nghĩ làm gì để có thể phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và có điều kiện nuôi các con ăn học. Lúc bấy giờ, chị nhận thấy nghề làm tán cầu lông của một số hộ trong thôn cho thu nhập ổn định và có triển vọng phát triển trong tương lai nên chị bàn với chồng đi học nghề này.
Sau khi học nghề, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm cộng với vay thêm anh em họ hàng, vợ chồng chị quyết định đầu tư mở xưởng làm tán cầu lông tại nhà. Ngay khi có vốn trong tay, vợ chồng chị đặt mua 5 chiếc máy làm tán cầu lông, liên hệ với các cơ sở uy tín để đặt mua nguyên liệu và tuyển thêm 10 lao động để dạy nghề. Rất may mắn cho chị là công việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi, sau một năm cơ sở sản xuất đã dần ổn định và từng bước phát triển. Gia đình chị tiếp tục đầu tư và mở rộng xưởng sản xuất thêm 100m2, tạo việc làm ổn định cho 8 - 10 công nhân với thu nhập từ 5 triệu – 6 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, thu nhập hàng năm trừ chi phí gia đình chị thu về khoảng trên 200 triệu đồng.
Ngoài công việc, chị cũng luôn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của thôn, xóm; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện do các cấp, các ngành phát động. Hàng năm, gia đình chị đều đạt gia đình văn hóa tiêu biểu. Năm 2017 gia đình chị đã vinh dự nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Mô hình chăn nuôi gia cầm giúp phụ nữ tỉnh Bắc Giang nâng cao thu nhập
Ngoài các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ triển khai, như: Mô hình trồng và chăm sóc cây vải thiều của gia đình chị Vi Thị Vui ở thôn Đồng Dau, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn cho thu nhập trên 200 triệu mỗi năm; Mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống của chị Lý Thị Uyên ở thôn Mới, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam bình quân cho thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm; Mô hình vườn - ao - chuồng (trồng lúa, trồng mầu xen canh, thả cá, nuôi gà, lợn) của chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Ngọc Sơn, xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm; Mô hình VAC tổng hợp của chị Nguyễn Thị Nhài ở tổ dân phố Ngoài Hạ, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng… đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương./.
Minh Cảnh
TAG:
giam ngheo
Ba Giang