Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bắc Giang: Đến năm 2025, trả trợ cấp ưu đãi không dùng tiền mặt cho 20% đối tượng người có công
03:38 PM 18/07/2024
(LĐXH) - Theo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt chi trả trợ cấp ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% đối tượng người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng được mở 01 tài khoản miễn phí tại ngân hàng; tỷ lệ chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20%.
Đến năm 2030, tỷ lệ chi trả qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 60% số đối tượng người có công và thân nhân người có công hưởng trợ cấp hàng tháng.
Đối tượng áp dụng người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng. Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ. Các đối tượng khác phát sinh theo quy định (nếu có).
Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 20% đối tượng người có công sẽ nhận trợ cấp ưu đãi qua tài khoản ngân hàng (Ảnh minh hoạ)
Tùy từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi chủ yếu như sau: Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần. Các chế độ ưu đãi khác bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước; ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng; vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh; miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
Chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi Người có công 1 lần, gồm: Các khoản trợ cấp 1 lần theo chế độ thường xuyên; mai táng phí; trợ cấp một lần khi báo tử liệt sĩ; các khoản trợ cấp 1 lần khác...
Chi trả chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi Người có công hằng tháng gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân; người phục vụ; người hưởng theo các Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, 53/2010/QĐ-TTg, 62/2011/QĐ-TTg.
Chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi hằng năm gồm: Thờ cúng Liệt sĩ; điều dưỡng tại gia đình; trang cấp, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ ưu đãi học sinh sinh viên; quà lễ tết của Chủ tịch nước; tiền ăn thêm ngày lễ tết đối với thương bệnh binh nặng …
Trợ cấp hằng tháng, 1 lần đối với các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật do nguồn trung ương đảm bảo. Các chế độ chi chính sách khác phát sinh theo quy định (nếu có).
Đối với chi trả trợ cấp ưu đãi người có công trực tiếp bằng tiền mặt, các đối tượng không có nhu cầu, chưa đồng ý chi trả qua tài khoản ngân hàng, thì tổ chức dịch vụ chi trả phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp xã tiếp tục tuyên truyền và vẫn thực hiện chi trả trực tiếp cho đối tượng, đầy đủ, kịp thời.
Đối với chi trả trợ cấp ưu đãi người có công phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, các đối tượng có tài khoản và đã nhất trí, đồng ý chuyển tiền qua tài khoản của cá nhân; tổ chức dịch vụ chi trả phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp xã thực hiện phối hợp với các ngân hàng thương mại nơi đối tượng mở tài khoản để chi trả vào tài khoản ngân hàng của từng đối tượng, đầy đủ, kịp thời.
Thực hiện Đề án chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện, từ tháng 5/2021 đến hết tháng 5/2024 hệ thống Bưu điện tỉnh Bắc Giang đã thực hiện chi trả cho 101.266 lượt đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí 1.806.053 triệu đồng (kinh phí thực hiện bình quân chi trả cho 25.317 đối tượng/ tháng với kinh phí 42.001 triệu đồng/tháng); trong đó từ tháng 5/2021 đến tháng 6/2023 thực hiện chi trả trợ cấp ngườicó công cho 76.595 lượt đối tượng người có công với tổng kinh phí 1.120.069 triệu đồng, 100% bằng tiền mặt.
Đối với chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt theo Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 02/3/2023 của UBND tỉnh; từ tháng 7/2023 đến tháng 5/2024 có 24.689 đối tượng người có công được rà soát (đạt tỷ lệ 100%), trong đó có 11.633/ 24.689 đối tượng đã có tài khoản (đạt tỷ lệ 47,12%); có 2.864/ 11.633 đối tượng chi trả qua tài khoản (đạt tỷ lệ 24,62%); tổng kinh phí chi trả qua tài khoản 19.383/537.685 triệu đồng (đạt tỷ lệ 3,61%). Do đó, thời gian tới cần tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt chi trả trợ cấp ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang./. 
Hưng Minh
TAG: chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt
Tin khác
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công