Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Bắc Giang: Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em
02:06 PM 30/05/2022
(LĐXH) – Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Bắc Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Là một tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên 3.828 km2, với dân số trên 1,8 triệu người, toàn tỉnh Bắc Giang có trên 478 nghìn trẻ em, chiếm khoảng 28% dân số; trong đó trên 4 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (phần lớn là trẻ em khuyết tật các loại với trên 3 nghìn em và trẻ em mồ côi trên 600 em); có khoảng 40.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (phần lớn là trẻ em thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo). Đây là nhóm trẻ em yếu thế, rất nhạy cảm, dễ bị sao nhãng, bỏ mặc, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, dễ xảy ra tai nạn thương tích, bị xâm hại... rất cần được quan tâm chăm sóc, giáo dục để giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện và đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo quy định.
Đến cuối năm 2021, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giảm xuống còn dưới 2,5%

Giai đoạn 2017 - 2022, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Bắc Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã nghiêm túc, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BVCSTE, phòng chống tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em...; ban hành các văn bản và triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trẻ em; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện khoảng 30 văn bản gồm Chỉ thị, Quyết định, Kế hoạch, Chương trình hành động về BVCSTE trên phạm vi toàn tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng chống tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống HIV cho trẻ em được toàn tỉnh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân. Giai đoạn 2017-2022, Sở LĐTBXH đã tổ chức các hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực BVCSTE, phòng chống tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em cho đại biểu là thành viên Ban điều hành BVCSTE và Nhóm công tác liên ngành, cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp; cộng tác viên cấp thôn, thành viên Câu lạc bộ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng; cho trẻ em và cha/mẹ, người chăm sóc trẻ em...

Các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em, triển khai lồng ghép nhiều hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch cho trẻ em; tổ chức rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước trên địa bàn để có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời, đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bằng nhiều hình thức: trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, thăm hỏi tặng quà; nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên từ gia đình, người thân và từ cộng đồng... Do vậy hầu hết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh được giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Hàng năm, Sở LĐTBXH đều chỉ đạo các địa phương tổ chức các cuộc rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên phạm vi toàn tỉnh; Chỉ đạo, theo dõi, cập nhập dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em; Phối hợp, chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình, điểm tư vấn, câu lạc bộ về BVCSTE như: Mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (Diễn đàn trẻ em, Thăm dò ý kiến trẻ em, Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em,...), Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, Nhóm trẻ em nòng cốt, Điểm tư vấn tại cộng đồng và trường học... Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn. Các vụ việc xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định góp phần phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em.

Đến nay, nhiều mục tiêu về trẻ em đạt được kết quả đáng khích lệ như: Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ 5% (năm 2015) xuống còn dưới 2,5% (năm 2021); Tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc từ 80% (năm 2015) lên trên 95% (năm 2021). Tình trạng trẻ em lang thang trên địa bàn tỉnh cơ bản được giải quyết. Trẻ em vi phạm pháp luật được quản lý tốt. Giải quyết kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại ngay sau khi được phát hiện, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng./.

Minh Hưng

TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI