Tài chính - Bất động sản
Trang chủ / Kinh tế / Tài chính - Bất động sản
Áp tết, gửi tiền ngân hàng lưu ý gì?
01:37 PM 18/01/2017
Cả tuần nay, hệ thống ngân hàng chịu áp lực khá lớn về thanh khoản. Trong khi Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng tiền nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán thì khát vốn và lo nguồn dự phòng, một số nhà băng đã “chạy đua” hút tiền gửi trong dân. Gửi tiền, người dân nên lưu ý gì và gửi kỳ hạn thế nào cho được lợi?
Người dân đắn đo có nên gửi kỳ hạn dài hay không. Ảnh: Như Ý
Người dân đắn đo có nên gửi kỳ hạn dài hay không
Chị Hà, trưởng phòng một công ty xuất nhập khẩu kể: “Hôm qua, cô  nhân viên ngân hàng cổ phần chỗ tôi vẫn gửi tiền gọi bảo, chị có sổ tiết kiệm sắp đến ngày hết hạn, mấy hôm nữa chị đừng rút tiền mà gửi tiếp bên em nhé. Lãi suất ngân hàng em đang ở mức hấp dẫn nhất thị trường từ 5,5 đến 7,9%/năm”. Nghe chị Hà nói có thể rút ra có việc, cô này năn nỉ: “Tháng này em phải chịu định mức tiền gửi 1 tỷ đồng nhưng gom chưa  đủ. Nếu chốt cuối tháng mà không đạt, em sẽ bị cắt bớt thưởng Tết. Cô ấy nói không quên kèm theo thông báo ngân hàng sẽ có quà tặng khách Vip”, chị Hà kể. 

Nhằm trả thưởng Tết, lương của các doanh nghiệp cùng với nhu cầu chi tiêu, hai tuần nay, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng đang có dấu hiệu nhích dần lên. Một số ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất ở kỳ hạn dưới 12 tháng. Với mức lãi suất 7% dành cho kỳ hạn tiền gửi 6 tháng,  NCB tự tin đứng đầu mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường.

“Gửi kỳ hạn dài 12 tháng  tuy lãi suất cao hấp dẫn nhưng nếu sau này biến động tính ra lại không có lợi. Kỳ hạn 6 tháng thì hợp lý nhất vì gửi dài 12 tháng trở lên khi rút tiền ra người dân sẽ mất lãi” - Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Kế đến, tại phía Nam, các ngân hàng như Eximbank và Sacombank cũng  kéo mạnh lãi suất tiền gửi lên mặt bằng mới. Cụ thể hơn, từ ngày 5/1, Eximbank đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng lên 4,6%, 3 tháng lên 5% và 6 tháng lên 5,6% trong khi Sacombank cũng tăng lãi suất 0,2% ở kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng, từ 4,9% lên 5,1%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng và tăng từ 5,9% lên 6%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng.

Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi có phải vì căng thanh khoản? Bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn của LienVietPostBank cho hay:  việc nóng thanh khoản hệ thống chủ yếu do yếu  tố mùa vụ chứ không phải do căng thẳng thiếu nguồn tiền huy động. “Tập quán của Việt Nam mình thời điểm áp Tết thường tăng chi trả lương, thưởng, thanh toán và doanh nghiệp có thể rút tiền cho đến sát ngày nghỉ Tết nên các ngân hàng phải dự phòng. Đây cũng là lúc Ngân hàng Nhà nước phải điều tiết”, bà Vân nói. 

Ngoài ra, theo lãnh đạo một ngân hàng khác, việc tăng huy động cũng là để áp ứng các tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN. Đặc biệt từ 1/1/2017 với việc tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 60% xuống 50% thì việc tăng lãi suất huy động cũng là để chuẩn bị tăng nguồn vốn dự phòng.

Những điều cần lưu ý

Vừa cách đây 3 tuần, cánh báo chí theo dõi ngân hàng rộ lên câu chuyện anh T. - phóng viên một tờ báo lớn đem đi gửi cho mẹ khoản tiền và bị…hố. Theo lời anh T. cách đây gần 2 năm, anh gửi 96 triệu đồng tại phòng giao dịch một ngân hàng trên phố Lê Ngọc Hân (Hà Nội). Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng nhưng do chủ quan, không cần đến vẫn được đáo hạn nên để “ngâm” tới hơn 20 tháng, anh T. mới đến tất toán.

Tại đây, anh T. tá hỏa khi số lãi thực lĩnh chỉ duy nhất 3 tháng đầu tiên theo đúng lãi suất, còn lại toàn bộ là lãi không kỳ hạn. Tính ra, anh T. đã thiệt khoảng 13 triệu đồng tiền lãi. Khi hai bên căng thẳng, nhân viên ngân hàng nhất mực nói không sai, vì sao kê cho thấy anh đã ký vào tờ giấy trong đó có tích ô mục không hoàn tục (đáo hạn). Khi anh T. bức xúc vì suốt ngần ấy thời gian ngân hàng không gọi điện thông báo,  chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Vì sổ của anh có 96 triệu, phải là khách  gửi 100 triệu đồng trở lên bên em mới gọi”. Anh T. cho biết, bất cứ ai gửi tiền cũng nên kiểm tra kỹ các thông tin, đặc biệt về các điều khoản với ngân hàng.

Áp tết, gửi tiền ngân hàng lưu ý gì? ảnh 1

Nếu có tiền, tại thời điểm này không nên gửi kỳ hạn quá dài

Tại một quầy  giao dịch của một ngân hàng trên phố Hai Bà Trưng chiều 17/1, nhân viên tên Hoa đang tư vấn cho một nữ khách hàng trạc tuổi trung niên muốn gửi tiết kiệm 300 triệu đồng.

Theo lời Hoa, hiện kỳ hạn 12 tháng có lãi suất cao nhất 7%/năm  đang được rất nhiều khách hàng lựa chọn gửi. “Kỳ hạn 6  tháng với mức lãi suất 6% cũng hấp dẫn. Còn với các hạn mức 1-3 tháng, lãi suất không thay đổi vẫn 5,4-5,5%/năm”, Hoa cho biết.

Băn khoăn hồi lâu, khách hàng này quyết định gửi kỳ hạn 3 tháng đi kèm  được cào online trúng thưởng và có thêm 1 số mã dự thưởng chờ quay số vào ngày 31/3/2017. Với việc cào online, vị khách đã trúng  88.000 đồng.

Vậy nếu có tiền nên gửi kỳ hạn nào thì hợp lý? Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, tại thời điểm này, ngân hàng phải tăng lãi suất có lẽ là do thanh khoản căng thẳng cục bộ cũng như muốn đón nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu của NHNN thực hiện tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 60% xuống 50%. 

Ông Hiếu khuyên: nếu có tiền người dân nên gửi dài hạn vì các ngân hàng đang bị áp lực về vốn cho nên lãi suất khá hấp dẫn. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế thế giới đang tiềm ẩn những bất ổn, FED có thể tăng lãi suất, Việt Nam chịu áp lực điều chỉnh tỷ giá…do đó, ông Hiếu cho rằng, gửi tiền kỳ hạn 6 tháng là hợp lý nhất.

Theo tienphong.vn

TAG:
Tin khác
Chính thức chuyển giao bắt buộc GPBank và DongA Bank
Prudential nhân rộng mô hình Trung tâm chăm sóc khách hàng mới tại Lotte Mall Tây Hồ
Sắp ra mắt “Niên giám Bất động sản Công nghiệp Việt Nam – Quy hoạch phát triển đến năm 2030”
Petrovietnam nộp ngân sách nhà nước 'khủng', EVN thoát lỗ
ABBANK thành lập Ủy ban Chiến lược Phát triển bền vững ESG
Grab triển khai loạt chương trình tri ân đối tác dịp Tết Nguyên đán 2025
Hé lộ doanh nghiệp xây dựng mạng Blockchain Layer 1 'Make in Vietnam'
Thêm 8 dự án nhà ở xã hội hàng nghìn căn hộ ở quận nào Hà Nội?
Giá xăng dầu tiếp tục tăng, RON95-III lên 21.220 đồng/lít