An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
An Giang tiếp nhận hơn 161,8 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19
01:46 PM 22/09/2021
(LĐXH)- Tính đến ngày 21/9/2021, tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 161,8 tỷ đồng, gồm tiền mặt và hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...
Ngày 21/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang tổ chức lễ tiếp nhận, bàn giao 1 xe cấp cứu, 8 máy thở cao cấp, 2.500 bộ quần áo bảo hộ y tế và 100 triệu đồng tiền mặt, tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng do các Tập đoàn, doanh nghiệp tài trợ và hỗ trợ.
Trong đó, Tập đoàn Sovico và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) ủng hộ 1 xe cấp cứu, 5 máy thở cao cấp, 2.500 bộ quần áo bảo hộ y tế; Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản P&H ủng hộ 3 máy thở cao cấp và 100 triệu đồng tiền mặt.
Phát biểu tại buổi tiếp nhận, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang vẫn liên tục nhận được sự đăng ký ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, với tình cảm sâu sắc dành cho cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Y tế An Giang đang đẩy mạnh sàng lọc cộng đồng, nhu cầu vật tư y tế cần hơn lúc nào hết, nhiều doanh nghiệp đã khẩn trương nhanh chóng, ủng hộ kịp thời và ủng hộ nhiều lần bằng tiền mặt và hiện vật có giá trị.

Lãnh đạo tỉnh An Giang tặng Bằng khen cho các đoanh nghiệp tích cực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng An Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và nhiều hoạt động an sinh xã hội để chung tay kiểm soát tốt, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch COVID-19, tính đến ngày 21/9/2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 161,8 tỷ đồng, gồm tiền mặt và hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đã chi hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; lực lượng phòng, chống dịch tại các khu cách ly; hỗ trợ, tặng quà cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, các chốt kiểm soát đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới; hỗ trợ thu mua nông sản giúp nông dân ở các địa phương; mua sắm các trang, thiết bị y tế…
Đối với số hàng hóa tiếp nhận được, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phân bổ hết về cho các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ theo đề nghị của các mạnh thường quân và nhà tài trợ. Trong đó, tổ chức nhiều “chuyến xe nghĩa tình” chia sẻ, hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh với số lượng gần 1.000 tấn hàng hóa các loại, ước tính quy ra tiền trên 9 tỷ đồng (chưa kể các chuyến xe từ thiện từ các tổ chức tôn giáo, mạnh thường quân tự tổ chức không thông qua MTTQ các cấp).
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh còn quan tâm, chủ động trong công tác chăm lo cho người dân gặp khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các hộ dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly... trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 15 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, thông qua việc vận động nguồn lực tổ chức các hoạt động, mô hình nổi bật như: Cây ATM gạo, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, bếp ăn tình thương… để cấp phát tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, đến nay đã hỗ trợ cho trên 650 ngàn lượt người là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn nhất là đối tượng bán vé số, mua bán nhỏ lẻ,… bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Người lao động trong các doanh nghiệp của tỉnh An Giang thực hiện phương án “3 tại chỗ”

Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang, cho biết: An Giang là một trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Song song với việc hỗ trợ người dân, với tinh thần khẩn trương, kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, cả hệ thống chính trị ở An Giang đã quyết liệt vào cuộc và đạt những kết quả ghi nhận.
Theo báo cáo tính đến ngày 21/9/2021, tỉnh đã thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1,594 doanh nghiệp, tương ứng với 65,162 lao động, tổng kinh phí là 19,91 tỷ đồng, tỷ lệ phê duyệt và đã thực hiện đạt 100%. Thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 13 doanh nghiệp với 1,250 lao động, tổng kinh phí hơn 8,66 tỷ đồng (tỷ lệ đạt 100%).
Tiếp đó, tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 449 người, số tiền 1,645,385 tỷ đồng (đạt 85%); cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 18 doanh nghiệp, tương ứng 1,020 lao động với kinh phí hơn 3,518 tỷ đồng (tỷ lệ đạt 100%); hỗ trợ 14,363 người lao động không có giao kết hợp đồng LĐ (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, số tiền 21,544 tỷ đồng (đạt 75%); hỗ trợ 25 viên chức hoạt động nghệ thuật, với số tiền  92,75 triệu đồng (đạt 89%)…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công