An Giang: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
(LĐXH) - Xác định Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những hoạt động thường xuyên thể hiện tình cảm, trách nhiệm của xã hội và là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, tỉnh uỷ, UBND tỉnh An Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện chăm lo chu đáo cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh An Giang luôn khắc phục khó khăn; năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong đó, việc thực hiện các chính sách đối với người có công, chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm, thực hiện chu đáo. Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang cho biết: Nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với cách mạng được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Từ năm 2017 đến nay, công tác chăm lo cho thương binh - liệt sĩ và người có công thực hiện theo hướng xã hội hóa ngày càng phát triển sâu rộng, huy động được mọi tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tích cực hưởng ứng.
Đến nay, An Giang đã tổ chức xác nhận và thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi trên 40.000 người có công. Trong đó có 142 lão thành cách mạng, 89 cán bộ Tiền khởi nghĩa, 9.491 liệt sĩ, 760 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện có 15 mẹ còn sống), 43 Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, 6.075 thương - bệnh binh, trên 5.500 người hoạt động kháng chiến, 18.700 người có công giúp đỡ cách mạng, 750 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học)... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 87 gia đình được Chủ tịch nước khen tặng Huân chương Độc lập cho gia đình có nhiều liệt sĩ.
Bên cạnh đó, trong dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm, UBND tỉnh cùng các địa phương tổ chức họp mặt, thăm, tặng quà trên 70.000 lượt đối tượng và gia đình người có công, với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng/năm. Trong 5 năm qua, thực hiện Kế hoạch 27-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hành tiết kiệm, góp phần chăm lo công tác an sinh xã hội và vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn tỉnh được trên 37,5 tỷ đồng (đạt 150% chỉ tiêu đề ra).
Từ nguồn Quỹ này, tỉnh đã tiến hành xây mới 270 căn và sửa chữa 273 căn nhà tình nghĩa; hỗ trợ 17 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách, người có công và thăm, tặng quà hàng trăm gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, từ năm 2017 đến nay, An Giang đã hỗ trợ 4.502 căn nhà (2.391 cất mới và 2.121 sửa chữa) với kinh phí trên 161,45 tỷ đồng.
Ông Châu Văn Ly thông tin, hiện nay, hầu hết cha, mẹ liệt sĩ, người có công trong tỉnh đều được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm chăm lo về nhà ở, tạo điều kiện hỗ trợ vốn làm ăn, việc làm cho thân nhân nên cuộc sống cơ bản ổn định. Nhờ vậy, đời sống các hộ gia đình người có công ngày càng được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo. Các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời với mức trung bình từ 1-2 triệu đồng/tháng trở lên, chăm lo nhà ở được khang trang, kiên cố đối với tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đoàn người có công tỉnh An Giang thăm Bộ Quốc phòng
Người có công với cách mạng và thân nhân của họ còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (kinh phí bình quân trên 12,7 tỷ đồng/năm) để khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế địa phương và bệnh viện thuộc tỉnh. 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức đưa trên 3.000 lượt người có công đi điều dưỡng tập trung tại Đà Nẵng, Quảng Trị, Côn Đảo, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Đất, Hà Tiên và Đà Lạt... với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện điều dưỡng tại gia đình gần 13.000 người có công do điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh… không đi điều dưỡng tập trung được, với kinh phí trên 14 tỷ đồng.
Chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo mở rộng thêm đối tượng được hưởng so với trước đây. Nhờ đó, có gần 500 học sinh, sinh viên là con người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục và đào tạo. Các huyện, thị xã, thành phố đã có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện đầy đủ trợ cấp ưu đãi cho đối tượng; các trường đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình người có công yên tâm, phấn khởi trong học tập.
Thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức đoàn 50 người có công với cách mạng tiêu biểu viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại Hà Nội) và gần 60 người có công viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị. Bên cạnh đó, phối hợp các địa phương chọn 5 người có công với cách mạng tiêu biểu của tỉnh đi Hà Nội dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và gặp mặt đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022 (từ ngày 22 đến 25/7).
Tỉnh còn phối hợp Quỹ Thiện tâm tổ chức tặng quà cho 14 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 79 thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Đồng thời đã và đang tổ chức các đoàn của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN, Sở LĐ-TB&XH thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công tiêu biểu trên địa bàn. Nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra trong dịp 27/7, như: Lễ cải táng hài cốt liệt sĩ được quy tập trong nước và từ nước bạn Campuchia; lễ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại 8 nghĩa trang liệt sĩ...
Đặc biệt, vào tối 24/7, cùng với các địa phương trên cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn An Giang đã phối hợp Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức lễ “Thắp nến tri ân” tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc và Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Theo đó, gần 500 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên đã vệ sinh, sắp xếp nến, hoa tại phần mộ các liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ, cùng sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội thuộc Quân khu 9 (đứng chân trên địa bàn), Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 3 (Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nam Bộ), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng An Giang...
Có thể nói, nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, mà còn giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang trong những năm tiếp theo.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: