An Giang: Tập trung thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030
(LĐXH)- Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, tỉnh An Giang đang nỗ lực triển khai Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030 nhằm cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cần thiết cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế.
Tặng quà cho đối tương có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
Căn cứ vào nội dung Chương trình 112 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản triển khai của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 588/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025.
Cùng với đó, Sở đã tổ chức tuyên truyền chính sách về công tác xã hội, ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3; giới thiệu các hoạt động công tác xã hội đạt được hiệu quả tại địa phương và treo băngrol tuyên truyền tại trụ sở cơ quan, đơn vị.
Thực hiện văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 627/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban Quyết định số 1788/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2022 về việc bổ sung dự toán năm 2022 cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với số tiền 6.200 triệu đồng để thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội và Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, trong đó tập trung thực hiện các hoạt động: Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội với kinh phí 200 triệu đồng Triển khai Mô hình công tác xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang), với kinh phí 6.000 triệu đồng.
Trong năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Trường Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở II) xây dựng kế hoạch tổ chức 03 lớp tập huấn về: Kỹ năng công tác xã hội trong các cơ sở sở giúp xã hội; kỹ năng công tác xã hội với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; với người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán, người nhiễm HIV… cho cán bộ, nhân viên trong các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng tác viên tại địa phương. Chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đã xây dựng Đề án thực hiện Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm giai đoạn 2022-2023.
Đồng thời, ban hành Quyết định số 1270a/QĐ-SLĐTBXH phê duyệt Đề án thực hiện Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang, giai đoạn 2022-2030. Hoàn chỉnh hồ sơ gửi Sở Xây dựng thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực 500 triệu đồng (trong đó: 200 triệu đồng từ ngân sách trung ương, 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương). Sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Bảo trợ xã hội phục vụ cho nhóm đối tượng người khuyết tật nuôi dưỡng trong trung tâm là 6.000 triệu đồng từ nguồn ngân sách trung ương.
Trong thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục triển khai tốt các nội dung thực hiện của Chương trình, trong đó chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn; các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp. Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo hoạt động xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; các chế độ phụ cấp đặc thù khác đối với công chức, viên chức làm công tác xã hội phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, bảo đảm tương quan giữa các ngành, nghề theo quy định và hướng dẫn của trung ương. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình./.
Minh Anh
TAG: