An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
An Giang: Kịp thời triển khai chính sách trợ giúp xã hội
03:00 PM 27/02/2023
(LĐXH) - Tỉnh An Giang đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai chính sách trợ giúp xã hội, quan tâm chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ.
Bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về triển khai các hoạt động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch về tổ chức thăm, tặng quà, chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi thọ 100 tuổi trên địa bàn tỉnh. Sở đã ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau năm 2022; Kế hoạch về triển khai thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật; Kế hoạch về triển khai thực hiện chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2022.
Tặng quà cho người cao tuổi trên địa bàn tỉnh
Bên cạnh đó, Sở chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đến cán bộ, công chức, viên chức của ngành và đến toàn thể nhân dân như: Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Luật Người khuyết tật; Luật Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn dưới Luật… đến cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội và ASXH ở cấp xã, phường, thị trấn. Phối hợp với Sở Y tế (Trung tâm giám định y khoa tỉnh) triển khai công tác thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện cho cán bộ phụ trách công tác bảo trợ xã hội của UBND xã, phường, thị trấn; tổ chức khám giám định xác định dạng tật và mức độ khuyết tật cho người khuyết tật. Ngoài ra, Sở có văn bản đề nghị UBND cấp huyện triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tích cực vận động toàn dân tham gia chương trình đảm bảo ASXH; công khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo trợ xã hội; kịp thời cập nhật đối tượng bảo trợ xã hội tăng, giảm trong năm; tổ chức chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng thụ hưởng kịp thời và đúng quy định; triển khai thực hiện Đề án, chương trình, kế hoạch: Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang, Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật tỉnh An Giang năm 2022, Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2022. 
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, trong năm 2022, toàn tỉnh thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho 95.947 lượt   đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí trên 617 tỷ đồng. Trong đó có 76.423 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; hỗ trợ kinh phí chăm sóc cho 9.332 lượt đối tượng tại cộng đồng; tiếp nhận 471 lượt đối tượng vào nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội và hỗ trợ chi phí mai táng cho 9.721 trường hợp hộ gia đình/cá nhân/tổ chức mai táng cho đối tượng bảo trợ chết. 100% đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng được cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh miễn phí.
Về công tác trợ giúp đột xuất: Trong năm, toàn tỉnh thực hiện trợ giúp đột xuất cho 163 hộ gia đình gia đình/cá nhân bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, mưa giông, sạt lở..., kinh phí trên  3 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm tỉnh thực hiện trợ giúp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho 172.312 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội sống tại cộng đồng, với tổng kinh phí thực hiện 87,486 tỷ đồng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ngành Bưu điện tỉnh tổ chức chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và mai táng phí cho 95.476 đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí trên 611 tỷ đồng.
Công tác quản lý, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội được chú trọng. Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 07 cơ sở trợ giúp xã hội: 02 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang; Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh An Giang); 01 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc UBND thành phố Châu Đốc (Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Châu Đốc); 02 cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Hội chữ thập đỏ tỉnh (Trung tâm Giáo dục Trẻ mồ côi và Người già cô đơn thành phố Long Xuyên; Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Châu Đốc) và 02 cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (Cơ sở trợ giúp xã hội Phan Thị Kim Sáng và Cơ sở trợ giúp xã hội Chùa Bửu Ân).
Các cơ sở này đã tiếp nhận và nuôi dưỡng trên 471 đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng.., kinh phí trên 6 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ chi phí mai táng cho 50 đối tượng chết, kinh phí 900 triệu).   Riêng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận và nuôi dưỡng trên 324 lượt đối tượng, kinh phí trên 4 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và sự nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành, đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Đầu tư của Nhà nước cho chính sách ASXH ngày càng tăng và huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn trong cuộc sống. Công tác quản lý Nhà nước về thực hiện chính sách ASXH tiếp tục được tăng cường nhất là công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cán bộ ở cấp xã; công tác xét chọn đối tượng chặt chẽ hơn, đảm bảo dân chủ công bằng phát huy khá tốt sự tham gia của cộng đồng dân cư và bản thân đối tượng, bước đầu áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đối tượng thụ hưởng ngày càng chặt chẽ hơn. Việc thực hiện chi trả chính sách bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện đã đảm bảo tất cả đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật… được nhận trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng quy trình theo quy định; đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong công tác quản lý và chi trả chính sách trợ cấp xã hội. Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo trợ xã hội đã được đẩy mạnh; các tổ chức cá nhân đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết...
 Hồng Phượng

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa