An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
An Giang: Kịp thời hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo
01:56 PM 11/06/2024
(LĐXH)- Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024, tỉnh An Giang đang tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo Tri Tôn, với mục đích giúp họ có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Năm 2024, tỉnh đã phân bổ kinh phí cho huyện nghèo Tri Tôn
để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có huyện Tri Tôn thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều, chủ yếu tập trung ở các xã vùng sâu, xã tiếp giáp biên giới và xã có nhiều người dân tộc thiểu số.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo giai đoạn 2021 – 2025. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo, làm cơ sở để phân khai vốn thực hiện.
Sở Xây dựng được giao phụ trách Dự án 5. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo giai đoạn 2021 – 2025 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã ban hành các Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn; phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện và chất lượng nhà ở theo quy định. Qua đó, kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh, Bộ Xây dựng hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo đó, thực hiện Dự án 5, tỉnh đã phân bổ 21.274 triệu đồng cho huyện Tri Tôn để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó ngân sách Trung ương 19.340 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.934 triệu đồng). Theo báo cáo của UBND huyện, đến cuối năm 2023, địa phương đã giải ngân nguồn vốn được phân bổ là 21.274/21.274 triệu đồng (đạt tỷ lệ 100%) hỗ trợ cho 493 hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở (474 nhà xây dựng mới, 19 nhà sửa chữa).
Qua kiểm tra thực tế tại một số xã, thị trấn có hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở, nhìn chung chất lượng nhà ở của các hộ dân sau khi được hỗ trợ đảm bảo yêu cầu về diện tích và cơ bản đảm bảo “03 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) theo quy định của Bộ Xây dựng. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc hỗ trợ nhà ở cũng gặp một số khó khăn như: Quá trình thống kê, rà soát đối tượng được hưởng chính sách tại một số xã còn chưa chặt chẽ dẫn tới kết quả rà soát và số liệu có sự thay đổi, khó khăn cho công tác tổng hợp chung khi phân bổ vốn hỗ trợ. Một số hộ có tên trong Đề án được duyệt không nhận vốn hỗ trợ nhà ở từ chương trình do quá khó khăn, không có vốn đối ứng để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà. Hộ gia đình sống ở địa hình vùng trũng thấp khi triển khai hỗ trợ xây dựng nhà yêu cầu phải đảm bảo 03 cứng, người dân không có khả năng để san lắp nền và xây dựng nhà.
Thêm nữa, việc thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán khó có thể thực hiện, phức tạp và mất nhiều thời gian do tỉnh An Giang có nền văn hóa đa bản sắc, đa dạng dân tộc, trong đó điển hình là 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Do đó, để thực hiện thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương thì phải thiết kế tối thiểu 12 mẫu nhà ở cho 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer và tương ứng kèm theo 12 bảng dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu. Về vấn đề này, Sở Xây dựng cũng đã có văn bản báo cáo và đề xuất Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận cho tỉnh ban hành Văn bản hướng dẫn mẫu nhà 03 cứng (nền – móng cứng, khung – tường cứng, mái cứng) đảm bảo theo phong tục tập quán đồng bào dân tộc thiểu số và theo quy định của Bộ Xây dựng.
Trong năm 2024, tỉnh An Giang đã phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Dự án 5. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn là 31.092 triệu đồng (ngân sách trung ương 28.265 triệu đồng, ngân sách địa phương 2.827 triệu đồng). Huyện đã phân công Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì, phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các phòng, ban, ngành liên quan và UBND xã, thị trấn tổ chức thực hiện Dự án trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm. Đồng thời đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác. Nội dung hỗ trợ là rà soát, lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện có nhu cầu xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có; đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, “3 cứng” và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Định mức hỗ trợ: Ngân sách trung ương hỗ trợ nhà xây mới 40.000.000 đồng/hộ; nhà sửa chữa 20.000.000 đồng/hộ. Ngân sách tỉnh hỗ trợ đối ứng 10% ngân sách trung ương, cụ thể nhà xây mới hỗ trợ 4.000.000 đồng/hộ; nhà sửa chữa 2.000.000 đồng/hộ.
Tỉnh An Giang sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn. Tập trung triển khai rà soát, phê duyệt danh sách, khẩn trương phân bổ vốn hỗ trợ năm 2024 cho các xã, thị trấn để tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở bằng hình thức phù hợp, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân; tiếp tục phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đẩy mạnh việc triển khai vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở.
Tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở thuộc diện đối tượng được hỗ trợ; đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở đạt chất lượng theo quy định sau khi được hỗ trợ. Phát huy hơn nữa trong công tác phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh và cấp huyện trong quá trình thực hiện để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ./.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật