An Giang: Hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã hướng dẫn một số nội dung thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh với nguyên tắc chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng; thay đổi theo điều kiện kinh tế tỉnh và mức sống tối thiểu dân cư từng địa phương theo giai đoạn; Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.
Theo đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh áp dụng theo mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ là 360.000 đồng/tháng, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021; Mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.
Quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang; Các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh áp dụng theo mức tối thiểu, đúng đối tượng, quy trình, thủ tục, tuân thủ theo các quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Riêng việc trợ giúp xã hội khẩn cấp quy định tại Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ được thực hiện như sau: Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 01 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch. Hỗ trợ không quá 3 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác từ nguồn lực của địa phương và nguồn dự trữ quốc gia.
Về thực hiện chuyển tiếp, các đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được chuyển sang mức chuẩn trợ giúp xã hội và hệ số tương ứng quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 kể từ ngày 01 tháng 7 tháng 2021; Trường hợp đối tượng trợ giúp xã hội phát sinh sau ngày 01 tháng 7 năm 2021 thì tính từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Thông tin và Truyền thông; các Sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chủ động lồng ghép và phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác hướng dẫn nhằm hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội; vận động thành viên, hội viên và nhân dân tích cực hỗ trợ cho địa phương triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quán triệt và triển khai thực hiện đúng, đủ các chính trợ giúp xã hội theo quy định Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ…/.
PV
TAG: