Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Ấm áp lễ tri ân cha mẹ trong “tháng Ba tiệc Mẫu”
10:44 PM 17/05/2024
(LĐXH) - Trong tâm thức sâu xa của người Việt, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được coi là vị Thánh Mẫu thần chủ của Tín ngưỡng thờ Mẫu, là biểu tượng cho người con hiếu thảo, người mẹ nhân hậu, đảm đang, thao lược, can trường... Dân gian có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” - nhân tháng 3 âm lịch, nhiều đền thờ Mẫu đã tổ chức lễ hội tri ân, tưởng nhớ công Đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, và đặc sắc hơn, một ngôi đền Mẫu ở ngoại ô Hà Nội đã nhân dịp này tổ chức lễ tri ân cha mẹ noi theo gương hiếu hạnh của Thánh Mẫu.
Tấm lòng hiếu thảo, cứu nhân độ thế 
Mẫu Liễu Hạnh là một vị thánh trong Tứ bất tử của người Việt, cùng với Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử. Theo giới nghiên cứu, nếu Thánh Tản Viên tượng trưng cho ý chí chống chọi với thiên tai, Thánh Gióng tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm, Chử Đồng Tử tượng trưng cho sức mạnh tình yêu, ý chí vươn lên, thì Mẫu Liễu Hạnh là vị thánh nữ duy nhất và hội tụ đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhất là của người mẹ Việt Nam. 
Mẫu Liễu Hạnh vừa là thiên thần, vừa là nhân thần. Ngài là vị thánh có quyền năng cai quản vùng trời, đất, rừng, sông biển. Theo huyền tích, Thánh Mẫu nguyên là Đệ nhị Tiên cung (Công chúa con Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế), có ba lần giáng sinh nơi trần gian (huyền thoại về “tam thế giáng sinh”, gắn liền với hai địa danh ở Nam Định là Phủ Nấp và Phủ Dầy; Phủ Mỗ ở Thanh Hóa).
Tiết mục văn nghệ tái hiện công đức của Mẫu Liễu Hạnh
Huyền tích kể rằng 3 lần Mẫu giáng sinh vào các gia đình nơi trần thế đều là những câu chuyện hết sức cảm động về lòng hiếu thảo, nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử, là biểu tượng của sự hướng thiện. Khi Ngài hiển Thánh, hóa thần, lại bảo hộ cuộc sống an lành, ấm no cho những người dân lương thiện và đấu tranh không khoan nhượng với kẻ ác, với những thói hư, tật xấu của con người. Trải qua lịch sử, ghi nhớ công ơn cứu nước, giúp dân của Thánh Mẫu, các triều đại phong
kiến và nhân dân tôn vinh Ngài là Mẫu Nghi Thiên Hạ, là một trong “tứ bất tử” của nước Nam ta. Nhân dân nhớ công ơn Ngài đã lập đền thờ ở những nơi có thánh tích của Mẫu cũng như nhiều nơi khác ở Việt Nam – Đồng thầy Huyền Tích, thủ nhang của đền Cô Bé Ngai Vàng (xóm Rồng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết. 
Tiệc Mẫu cũng là thời điểm để lan tỏa văn hóa, tín ngưỡng nội sinh của dân tộc, giáo dục con người theo nhân nghĩa, đạo lý của đức Thánh Mẫu. 
Đông đảo đại biểu tham dự Lễ tri ân “Bách thiện hiếu vi tiên”
Xúc động chương trình “Bách thiện hiếu vi tiên” 
Với ý nghĩa đó, trong tháng Ba âm lịch năm nay, tại đền Cô Bé Ngai Vàng đã đón tiệc Mẫu không chỉ với những nghi thức hầu đồng, hát văn, tế lễ, mà còn thực hiện một chương trình tôn vinh chữ hiếu, tri ân cha mẹ rất đặc sắc với tên gọi “Bách thiện hiếu vi tiên” - trong trăm việc thiện thì lấy việc hiếu làm đầu, với sự tham dự của hàng trăm gia đình đệ tử của Mẫu cùng hàng nghìn du khách thập phương về chứng kiến.
Toàn cảnh buổi Lễ tri ân “Bách thiện hiếu vi tiên”
Ý tưởng tổ chức Lễ tri ân “Bách thiện hiếu vi tiên” dựa trên sự tích Thánh Mẫu giáng trần lần thứ nhất: Đời Hậu Lê, năm 1443, Mẫu hạ phàm sinh ra làm con gái trong một gia đình có cha mẹ đã luống tuổi. Cô gái công dung ngôn hạnh đủ đầy, hết lòng chăm sóc yêu thương cha mẹ, báo hiếu trọn vẹn đến khi cha mẹ mất cô làm nhiều việc thiện trợ giúp người nghèo, chữa bệnh người ốm, dạy dân nuôi trồng, khai hoang mở rộng làng xã, xây cầu làm đường...
Qua những nghi thức trang trọng, hoạt cảnh về sự tích Thánh Mẫu, những tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong Lễ tri ân, chữ hiếu được đề cao, những tình cảm gia đình thiêng liêng được nhấn mạnh mọi  khiến mọi người rất xúc động.
 Hình ảnh thủ nhang Huyền Tích kính lễ cha và ân sư làm những bậc sinh thành có mặt tại đây không nguôi tưởng nhớ về cha mẹ mình, thầm ước cha mẹ còn sống để được bày tỏ lòng biết ơn như vậy. Họ rưng rưng tiếc nuối, nhớ về cội nguồn. Khi cảm giác chưa nguôi, họ lại được con mình cầm tay dìu lên thực hiện nghi thức tri ân, nói  những lời cảm ơn, xin lỗi, dâng tặng những món quà, những bó hoa tươi do chính những người con tự tay chuẩn bị. Sự xúc động và hạnh phúc ngập tràn trong lòng các bậc cha mẹ, để lại dấu ấn về những hình ảnh đẹp đẽ cho du khách thập phương, dân thôn bản hạt.
Ông Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ hai từ phải sang) đánh giá đây là chương trình rất ý nghĩa 
Ông Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá, chương trình "Bách thiện hiếu vi tiên" rất ý nghĩa. Trong truyền thống văn hóa  dân tộc Việt Nam, chữ hiếu được xem là nền tảng đạo đức quan trọng trong mỗi gia đình. Cùng với gia phong, gia đạo, gia lễ… gia hiếu đã góp phần xây dựng một gia đình tiến bộ, văn minh và hạnh phúc. Chương trình đã góp phần giúp mỗi người hiểu sâu sắc hơn về đạo làm con, chữ hiếu với cha mẹ" - ông Bùi Thế Đức nói.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan phát biểu tại buổi lễ
Có mặt tại buổi lễ, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho hay, chữ hiếu là truyền thống quý báu và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Hiện nay có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ với những hoạt động như: hầu đồng, hát văn, chầu văn... tuy nhiên, đền Cô Bé Ngai Vàng là nơi hiếm hoi tổ chức lễ hội tôn vinh chữ hiếu với chủ đề "Bách thiện hiếu vi tiên". 
"Tôi hy vọng từ chương trình này chúng ta sẽ có thêm nhiều hoạt động tôn vinh và làm giàu thế giới đạo Mẫu giống như đạo Nho, đạo Giáo... tạo ra sự lan tỏa tích cực đến cộng đồng", giáo sư sử học Lê Văn Lan nói.  
Buổi lễ “Bách thiện hiếu vi tiên” đã truyền đạt thông điệp, chữ hiếu đôi khi không phải tặng món quà to hay đẹp, mà là lời động viên, sự quan tâm chăm sóc chính là chất keo gắn kết cha mẹ và con cái. Đồng thầy Huyền Tích mong muốn lan toả chương trình để chữ Hiếu ngày càng được coi trọng, văn hoá đạo đức truyền thống được gìn giữ, phát huy trong mỗi gia đình.
Minh Anh
TAG: Mẫu Liễu Hạnh thánh Mẫu tháng Ba tiệc Mẫu tín ngưỡng thờ Mẫu
Tin khác
Đa sắc màu văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam tại tuần hàng Việt Nam tại AEON Nhật Bản
Bộ phim 'Sao Kim bắn tim sao Hoả
Đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền là cầu nối đưa “ngọn đuốc điện ảnh quốc tế” về Việt Nam
Chân dung hai tài tử của “Vùng Đất Câm Lặng: Ngày Một”
Giao lưu hát ru, hát dân ca Vùng 2 Hải quân khu vực Đồng Nai - Thành phố Hồ Chí Minh
Chia sẻ kinh nghiệm về thực thi bản quyền trên môi trường số
Triển lãm 1.001 rùa biển bằng gốm: Thông điệp về sự cần thiết chung tay bảo tồn các loài rùa biển
Bộ đôi “crush quốc dân” HIEUTHUHAI và Phương Ly kết hợp trong MV “Xoay Một Vòng”
TV360 công bố phát sóng miễn phí vòng chung kết Euro 2024