Gần 2.100 trẻ em mồ côi trong đại dịch COVID-19
(LĐXH)- Dịch bệnh COVID-19 đã khiến 2.093 trẻ em mồ côi, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 1.500 trẻ em mồ côi. Việc này có thể gây ra những tác động lâu dài như khó khăn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn về học tập, nguy cơ cao về bị bạo lực, xâm hại... ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện, đảm bảo an sinh của trẻ em.
Đây là thông tin được Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, sáng 20/10.
Theo Chủ nhiệm Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lương thực, thực phẩm đã được Chính phủ chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đợt dịch lần thứ 4, nhiều trường hợp tử vong do dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19
Chủ nhiệm Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cho rằng: Việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động còn một số khó khăn là: (i) Người lao động đang thực hiện giãn cách xã hội nên không thể thực hiện các thủ tục xác nhận dẫn đến chưa giải quyết hỗ trợ kịp thời; (ii) Nhiều địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu kinh phí cho phòng chống dịch và chi trả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID -19; (iii) Một số địa phương phản ánh điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ chưa phù hợp với thực tế.
"Do dịch COVID-19, nhiều lao động phi chính thức bị rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm và thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Vẫn còn không ít lao động tự do, những người không đăng ký tạm trú bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phản ánh là chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn" – Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, thông tin.
Về sản xuất kinh doanh và lao động - việc làm, Ủy ban Xã hội thấy rằng, trước thực trạng dịch bệnh có tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đã được triển khai như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 xanh”...
Do ảnh hưởng bởi đại dịch, doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn và xu hướng gia tăng. Chỉ tính 8 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 85.508 doanh nghiệp, bằng 84,1% so với cả năm 2020 và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 43.165 doanh nghiệp, bằng 92,6% so với cả năm 2020.
Bên cạnh đó, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, làm cho thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp; lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỉ lệ lớn. Một lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, thành phố lớn về quê tạo nguy cơ thiếu lao động nơi đi, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch...
Các doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện hành là quan trọng, song quan trọng hơn là cần nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới có khả năng tồn tại và phục hồi.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Xã hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Nhưng thời gian qua, văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đặc biệt, vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Cơ quan này đơn cử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên chỉ trong vòng một ngày; Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường...
Ủy ban Xã hội đề nghị thời gian tới, Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng COVID-19; chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch COVID-19.
Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; tăng cường năng lực của hệ thống y tế nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng và phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu; có cơ chế nhằm huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng, chống dịch COVID-19; rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch để có hình thức động viên, khuyến khích trong thời gian cao điểm chống dịch; sớm ban hành hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý cho người bị di chứng sau nhiễm COVID-19...
Chí Tâm
TAG: