An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định
09:11 AM 13/07/2024
(LĐXH) - Theo tin từ Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH), hiện nay cả nước có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, trong đó Hải Phòng có mức quy định trợ cấp cao nhất là 500.000đ.
Chế độ trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội được các địa phương thực hiện kịp thời, đúng quy định
Tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh (480.000đ), Quảng Ninh (450.000đ), Bà Rịa – Vũng Tàu (450.000đ), Bắc Ninh (440.000đ), Hà Nội (440.000đ), Đà Nẵng (400.000đ), Bình Dương (400.000đ), Đồng Nai (400.000đ), Cần Thơ (400.000đ), Khánh Hòa (400.000đ), Hà Giang (380.000đ), Hải Dương (380.000đ), Vĩnh Phúc (1/3 mức lương cơ sở theo từng thời kỳ). Đồng thời đã có 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định trong Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Tổng ngân sách chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoảng 2.250 tỷ đồng/tháng.
Thống kê hiện nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội cho 3,387 triệu người (khoảng 3,38% dân số). Trong đó có 1,394 triệu người người cao tuổi, 1,667 triệu người khuyết tật, 16 nghìn trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 150 nghìn trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi, 80 nghìn người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi, 80 nghìn đối tượng khác. Đồng thời hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng cho 389 nghìn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
Có 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả qua tổ chức dịch vụ chi trả, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội. Tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là 1.458.203 người (38,67%/tổng số đối tượng quản lý), tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là 1.045.446 người (71,69%/tổng số đối tượng có tài khoản); tổng kinh phí đã thực hiện chi trả từ tháng 01/2023 đến nay là trên 4.056 tỷ đồng. Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và ổn định chính trị đất nước.
Đặc biệt, ngày 01/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 76/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01/7/2024 là 500.000 đồng/tháng. Nghị định cũng quy định tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác. Trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương bảo đảm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này. Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Nhìn chung, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - TBXH, sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ của cấp ủy, cơ quan địa phương các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội đã có kết quả khả quan, đời sống của các đối tượng bảo trợ bảo đảm. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động điều chỉnh nâng mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng cao hơn mức chuẩn chung của cả nước; phát triển các hình thức trợ giúp phong phú, đa dạng theo hướng xã hội hóa; huy động các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế (vốn, đất sản xuất, công nghệ, thị trường) và các dịch vụ xã hội cơ quan như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý. Qua đó, số lượng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng; các cá nhân, gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt được hỗ trợ kịp thời.
Tuy nhiên, cũng theo Cục Bảo trợ xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội như: Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Cơ sở vật chất của một số cơ sở trợ giúp xã hội đã lạc hậu, xuống cấp chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh cho đối tượng bảo trợ xã hội và người dân.
Trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội tập trung trình Bộ ban hành Thông tư quy định về xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo; Nghiên cứu, soạn thảo Thông tư quy định điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời thực hiện chính sách trợ giúp khẩn cấp và trợ giúp xã hội thường xuyên đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật. Tổng hợp, nắm tình hình đời sống đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo và người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh./.
Thu Hương
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24