Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), 1000 ngày ngày đầu đời chính là thời điểm từ lúc có thai và kéo dài cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Đây chính là khoảng thời gian “vàng”, là “cửa sổ phát triển trí não”, là cơ hội duy nhất để thiết lập nền tảng sức khỏe, tăng trưởng và phát triển trí lực tối ưu trong suốt cuộc đời.
Về mặt khoa học, sau 5 tháng kể từ lúc thụ thai, não của thai nhi là một cấu trúc hai thùy mịn màng giống như một hạt cà phê. Đến 9 tháng, não bộ có rãnh và nếp gấp khá phức tạp, trông tương tự như bộ não người lớn. Khi sinh ra, các vùng não phát triển nhanh chóng bao gồm hồi hải mã (trí nhớ) và vỏ não (chất xám), thị giác và thính giác. Trong năm đầu tiên sau sinh, khu vực xử lý ngôn ngữ và vỏ não trước trán có sự phát triển nhanh chóng.
1.000 ngày đầu tiên của trẻ cũng được ghi nhận với đặc trưng về tốc độ tăng sinh tế bào thần kinh nhanh chóng (số lượng tế bào), tăng trưởng và biệt hóa (độ phức tạp), sự myelin hóa (là quá trình chất béo bao bọc dần xung quanh dây thần kinh, hỗ trợ việc tăng tốc độ giao tiếp điện giữa các tế bào thần kinh) và quá trình hình thành các khớp thần kinh giữa các tế bào thần kinh của hệ thần kinh (các tế bào thần kinh kết nối với nhau bởi các synapse). Nghiên cứu của Hội đồng Xúc tiến Y tế Singapore (HPB) cho thấy, não trẻ sơ sinh dù chỉ nặng bằng 25% não người lớn nhưng đã chứa khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh (nơ-ron). Khi trẻ tròn 12 tháng, não nhanh chóng tăng gấp đôi trọng lượng do các nơ-ron phát triển về kích thước và khối lượng. Tròn 2 tuổi, não trẻ hoàn thiện 80% cấu trúc chức năng so với người trưởng thành.
Theo các nghiên cứu khoa học, sự phát triển của trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất là yếu tố di truyền: tức những gì cha mẹ truyền lại cho con qua hệ thống gen. Đây là yếu tố không thể can thiệp được. Hai yếu tố còn lại có thể thay đổi, đó là môi trường chăm sóc và yếu tố dinh dưỡng có tác động đến 80%, trong đó, dinh dưỡng là yếu tố mà các bậc phụ huynh có thể can thiệp và đầu tư cho con ngay từ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời. Do đó, khoảng thời gian 1.000 ngày vàng chính là cơ hội duy nhất để cung cấp dinh dưỡng tối ưu đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ, và cũng là thời điểm não bộ dễ bị tổn thương nhất đối với bất kỳ sự thiếu hụt chất dinh dưỡng nào.
Chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn: bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày – nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ 2).
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy suy dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển quan trọng của con người – trước và trong và trong quá trình mang thai và trong hai năm đầu đời của trẻ đã “lập trình” cho khả năng của mỗi cá nhân trong việc điều tiết tăng trưởng và ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Trong 1000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Dinh dưỡng đúng cách sẽ giảm 20% nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, trẻ sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Do đó suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi được với sức phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực. Trẻ có não kém phát triển ở những năm đầu đời sẽ có nguy cơ về các bệnh của hệ thần kinh sau này, kết quả học tập kém hơn, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém, chăm sóc con cái kém, và góp phần tạo nên sự chuyển giao nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác. Suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao từ những bệnh thường gặp như viêm phổi, tiêu chảy hay sốt rét… Trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh thì sẽ giảm tăng trưởng tạm thời, nếu trẻ bắt kịp tăng trưởng thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 khi trưởng thành.
Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy giai đoạn 1000 ngày đầu đời chính là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương… Các bệnh không lây nhiễm hiện được coi là sát thủ hàng đầu trên thế giới với 35 triệu người tử vong hàng năm, chiếm 60% số ca tử vong toàn cầu. WHO dự kiến các bệnh không lây sẽ tăng 17% trong thập kỷ tới, và tập trung đến 80% ở các nước đang phát triển. Bệnh không lây nhiễm có thể dự phòng được và dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu, đặc biệt từ “lập trình” bào thai đóng vai trò quan trọng. Dinh dưỡng kết hợp với các yếu tố môi trường khác (thể dục, thuốc, nhiệt độ, áp lực…) ảnh hưởng đến 80% tình trạng sức khỏe trọn đời, yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng tối đa 20%.
Sự phát triển về thể chất và trí tuệ trong 1.000 ngày vàng sẽ được gia tăng, phát huy hết tiềm năng đến mức tối ưu nếu như trẻ được nuôi dưỡng đúng cách, cung cấp một nguồn dinh dưỡng đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, ở phần lớn gia đình Việt Nam, thay vì tập trung vào 3 năm đầu đời thì trẻ lại chỉ được bắt đầu quan tâm từ khi bước vào tuổi mẫu giáo nên ý thức của cha mẹ cũng như các dịch vụ chăm sóc trẻ về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và kích thích sự phát triển tư duy và trí não trẻ trong giai đoạn này chưa phù hợp. Vì thế việc cần thiết phải triển khai chương trình can thiệp dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời là giải pháp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.
Trần Huyền