Mục tiêu kế hoạch nhằm từng bước giảm tỷ lệ tai nạn, tử vong, tàn tật và thương tích, đặc biệt là do đuối nước, tai nạn giao thông đối với học sinh thông qua việc nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh và nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn thương tích của cán bộ, giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục các cấp.
Cụ thể, đến năm 2020, tất cả các đơn vị, trường học phải có ban chỉ đạo hoặc tham gia ban chỉ đạo phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của địa phương; triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn; có cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, 70% các trường trở lên phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các lớp học bơi trong và ngoài nhà trường; có kế hoạch triển khai mô hình dạy, học bơi an toàn, phù hợp với điều kiện. 70% học sinh trở lên được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông. Cùng với đó là tăng dần tỷ lệ học sinh tiểu học, THCS được học bơi, biết bơi, có kỹ năng tự cứu đuối; 100% trường học đóng tại địa bàn có bể bơi, hồ bơi xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh. Ngoài ra, phấn đấu 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tai nạn thương tích tại các đơn vị, trường học được tập huấn, biết vận dụng, hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, kỹ năng, phương pháp dạy bơi, cứu đuối và sơ cấp cứu ban đầu; 100% học sinh sử dụng áo phao khi tham gia giao thông bằng đường thủy; 95% học sinh tiểu học, THCS biết các quy định về an toàn giao thông; 100% nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho học sinh bị tai nạn, thương tích. Hàng năm, giảm từ 15 đến 25% số học sinh bị tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông.
Để thực hiện đề ra, ngành Giáo dục cũng đã đề ra một số giải pháp và phân công nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, phòng giáo dục và đào tạo để triển khai thực hiện. Trước hết, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý tại các đơn vị, trường học, nhận thức của HS và gia đình về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua các tài liệu, bảng tin, pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, website, kênh phát thanh…; qua các buổi nói chuyện, tọa đàm, các hoạt động sân khấu hóa, trong các giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và các buổi sinh hoạt lớp; xây dựng phong trào “Đội tuyên truyền nhỏ” trong nhà trường, lớp học…
Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng, phương pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; chú trọng các lớp bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy bơi, cứu đuối, kỹ năng phòng, tránh tai nạn giao thông cho cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống tai nạn thương tích. Các đơn vị, trường học cần chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đề xuất giải pháp phù hợp nhằm phổ cập bơi cho học sinh. Đối với các đơn vị, trường học đóng trên địa bàn có bể bơi, hồ bơi, cần phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân để triển khai các lớp dạy bơi cho trẻ. Ngoài ra, cần chú trọng tới việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích”, “Cổng trường an toàn giao thông” cũng như trang bị các kiến thức, luật pháp và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông…
Đăng Doanh