Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Quảng Ngãi được bảo vệ chăm sóc dưới mọi hình thức
07:58 AM 03/04/2022
(LĐXH)- Năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc dưới nhiều hình thức; 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh năm 2022. Qua đó, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; từng bước giảm sự chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng miền. Đồng thời, hạn chế tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, trong đó có tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai.

Quảng Ngãi tặng quà cho trẻ em đi điều trị tim bẩm sinh tại thành phố Hồ Chí Minh

Cụ thể, trong năm 2022, Quảng Ngãi phấn đấu 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc dưới nhiều hình thức; 70% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Đảm bảo 100% trẻ em sinh ra trong năm được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được tiếp cận các dịch vụ y tế. Giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại so với cùng kỳ năm 2021; 100% trẻ em bị xâm hại khi phát hiện được can thiệp, hỗ trợ; 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật.
Tỉnh phấn đấu có 50% hộ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em được phổ biến, tuyên truyền về các chính sách, pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Phấn đấu 90% thành viên Ban điều hành hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên làm công tác trẻ em tại thôn, tổ dân phố được nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác trẻ em.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em, đặc biệt về chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em; bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột trẻ em; phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Tiến hành đa dạng sản phẩm và các hình thức truyền thông, giáo dục vận động xã hội phù hợp với các nhóm đối tượng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: như tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình và truyền thông trực tiếp đến gia đình, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và cộng đồng dân cư; thông tin, truyền thông đại chúng; truyền thông trên môi trường mạng. Truyền thông, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) và các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương đến từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư và trẻ em; hướng dẫn thông báo, tố giác hành vi, trường hợp, nguy cơ trẻ em bị xâm hại đến Tổng đài 111 và các cơ quan có thẩm quyền. Tăng cường truyền thông, thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ trẻ em kịp thời trong bối cảnh dịch Covid-19 luôn có nguy cơ bùng phát.
Năm 2022, Quảng Ngãi sẽ triển khai hiệu quả mô hình ngôi nhà, trường học, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phát triển mạng lưới dịch vụ bảo đảm an toàn cho trẻ em trong môi trường mạng, môi trường nước; phát động phong trào học bơi và triển khai chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ em. Tổ chức thực hiện các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em.
Cùng với đó là nâng cao năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em các cấp; nâng cao năng lực cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em đặc biệt là kiến thức kỹ năng về phòng, chống xâm hại, phòng, chống tai nạn tương tích trẻ em. Tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu về trẻ em, thu thập thông tin, thống kê về tình hình trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi và hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khác…
Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên đề việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em. Kiểm tra, rà soát các biện pháp bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng ngừa bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em và tai nạn thương tích, đặc biệt đuối nước trẻ em. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, thực hiện và nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng địa bàn dân cư. Gắn kết tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em, lồng ghép và triển khai thực hiện các chỉ tiêu về trẻ em, tiêu chuẩn đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo