Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
10 năm đồng hành cùng nạn nhân bom mìn
02:23 PM 07/11/2024
(LĐXH)- Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều nạn nhân bom mìn trên khắp cả nước.
Sáng 7/11 tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Tới dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan; cùng lãnh đạo các ban, ngành.
Phát biểu tại buổi Lễ, Trung tướng Nguyễn Đức Soát – Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cho biết, chiến tranh đã qua đi, nhưng hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn còn phức tạp và lâu dài. Với phương châm “Phát huy sức mạnh tổng hợp, cùng chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh vì cuộc sống bình yên và phát triển”, trong suốt 10 năm qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều nạn nhân bom mìn trên khắp cả nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ
Để triển khai hoạt động sát với thực tế các địa phương, Hội đã xây dựng được mạng lưới các Hội địa phương và chi hội rộng khắp trên cả nước, phủ kín các địa bàn trọng điểm ở phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng; suốt dải miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, xuống tận Phú Yên, Khánh Hòa, rồi lên cả 4 tỉnh Tây Nguyên và những thành phố lớn phía Nam như Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh.
Khi mới thành lập, Hội chỉ có hơn 100 hội viên. Sau 10 năm, số hội viên đã lên đến 1.500 người, hoạt động trong 3 hội địa phương và 17 chi hội cấp tỉnh.
Các hội viên là những tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, những cán bộ từng công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nay đã nghỉ hưu, tình nguyện chung tay, góp sức làm việc thiện, tận tụy suốt 10 năm liền không ngơi nghỉ, dù nhiều người đã 70-80 tuổi.
Hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn của Hội cũng hết sức phong phú, phù hợp với khả năng, điều kiện sống của từng nạn nhân. Có nạn nhân được hỗ trợ bò giống sinh sản. Có nạn nhân được hỗ trợ tu sửa hoặc xây dựng nhà mới, hay hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm... Chính các chi hội ở địa phương là chỗ dựa để Hội hoạt động hiệu quả.
Nhiều nạn nhân của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh cuộc sống đã được cải thiện rõ rệt. Như trường hợp của gia đình ông Trần Xuân Cường sinh năm 1955, ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, gặp tai nạn bom mìn năm 1993, bị cụt tay phải (dưới khuỷu tay), mắt phải bị mù, một vài mảnh bom ghim sâu vào cơ thể khiến cuộc sống của ông và gia đình vô cùng khó khăn.
Năm 2020, ông được Hội tặng 1 con bò giống sinh sản để thực hiện mô hình sinh kế bền vững. Sau 3 năm chăn nuôi, gia đình ông giờ đã có 3 con bò, cuộc sống được cải thiện rõ rệt... Những câu chuyện, những hoàn cảnh vươn nên thoát nghèo từ sự hỗ trợ của Hội chính là những động lực to lớn, thôi thúc các hội viên tích cực hoạt động.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ thêm: “Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa hiểu rõ sự nguy hiểm của bom mìn và các biện pháp phòng tránh. Nhờ vậy, số vụ tai nạn do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh những năm gần đây đã giảm đáng kể.
Ngoài sự tận tâm của đội ngũ hội viên, Hội đã nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ từ Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ; sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành. Ngoài ra, yếu tố rất quan trong nữa, quyết định hiệu quả hoạt động của Hội là sự giúp đỡ to lớn của Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh, các tập đoàn, các công ty trong và ngoài Quân đội”.
Nhân dịp này, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã được Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn ở tỉnh Gia Lai (ảnh: BTC)
Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), chỉ riêng số bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15,35 triệu tấn; tỷ lệ bom mìn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom mìn đã sử dụng. Theo điều tra, có khoảng 6,1 triệu héc-ta diện tích đất còn bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn, chiếm 18,71% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước.
Bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại vô cùng nguy hiểm, có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi có những tác động cơ học (hoặc tác động khác) trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân và các tổ chức kinh tế. Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, từ sau năm 1975 đến nay, tai nạn do bom mìn còn sót lại phát nổ vẫn liên tục xảy ra, khiến hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương./.
Hồng Hà
TAG:
Tin khác
Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Cuộc thi Nhà lãnh đạo tương lai - The Future CEO (TFC) 2024 : Hành trình khai phá tiềm năng lãnh đạo thế hệ trẻ Việt Nam
Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay
Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII quyết định nhiều nội dung quan trọng
Ngày phở của Đoàn thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với đối tượng yếu thế tại Bắc Giang
Gặp gỡ nhóm người treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
Các nhà lãnh đạo trẻ khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn