Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhân Tháng hành động Vì trẻ em
(LĐXH)- Tháng hành động Vì trẻ em năm 2018 tỉnh Yên Bái với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” sẽ có nhiều hoạt động thiết thực.
UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về việc triển khai Tháng hành động Vì trẻ em năm 2018 với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là quyền trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em và quyền được bảo vệ để không bị xâm hại trong thế giới công nghệ số.
Theo Kế hoạch, Tháng hành động Vì trẻ em năm 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ có nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông và quảng bá các sản phẩm truyền thông về đảm bảo an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; truyền thông tại cộng đồng cho gia đình, nhà trường, trẻ em về bảo vệ trẻ em, thông tin, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em… nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số.
Hình ảnh tại Diễn đàn trẻ em Yên Bái năm 2016
Ngoài ra, Diễn đàn trẻ em các cấp có chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” để trẻ em thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số; tập huấn nâng cao năng lực cho trẻ em về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và các vấn đề trẻ em; kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đảm bảo có kỳ nghỉ hè an toàn.
Các địa phương cũng sẽ tiến hành tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động vui chơi; tổ chức các lớp học bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích; tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để trẻ em học các kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia mạng xã hội và sử dụng các phương tiện kỹ thuật số an toàn.
Tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 230.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 29,2% dân số); trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là 100.588 trẻ (chiếm 12,8 % dân số). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có khoảng 4.165 trẻ, trong đó trẻ em khuyết tật là 1.900, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa là trên 2.200 trẻ, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS là 65 trẻ; ngoài ra còn có khoảng trên 60.000 trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, trên 2.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Trẻ em Yên Bái tại Diễn đàn
Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, đồng thời xác định công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong việc ổn định tình hình xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương, tỉnh Yên Bái đã ban hành các chương trình, kế hoạch, công văn chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt sâu sắc và rộng rãi nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW đến với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt về quan điểm chỉ đạo của Đảng với mục đích mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc.
Các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp để đảm bảo quyền khai sinh cho trẻ em. Các vụ việc liên quan đến quyền trẻ em đều được phát hiện và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho trẻ em.
Hàng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ em được khám và điều trị đảm bảo theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng “Giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm” trong các nhà trường; thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trẻ mầm non. Đặc biệt, quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn bán trú, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Phối hợp với y tế địa phương có những biện pháp tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cho trẻ em. 100% trẻ ra nhóm, lớp được khám sức khỏe định kỳ, được cân đo, chấm biểu đồ theo dõi sự phát triển của trẻ. 100% các trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non, các trường có lớp mẫu giáo ghép thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong các lớp mẫu giáo ghép; 43,3% trẻ khuyết tật được học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Ngoài ra, công tác chăm sóc về đời sống văn hoá tinh thần cho trẻ em được quan tâm thực hiện, như tổ chức nhiều điểm sinh hoạt hè tại cộng đồng cho trẻ em, trong đó đưa các chủ đề sinh hoạt văn hóa tinh thần, giáo dục kỹ năng sống, đưa các nội dung tuyên truyền về kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước vào nội dung sinh hoạt hè./.
Dương Thìn
TAG: