Yên Bái lập Kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người 2019
(LĐXH) - Mục tiêu phòng, chống mua bán người năm 2019 của Yên Bái là: 100% tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; 100% thông tin liên quan mua bán người được cơ quan có thẩm quyền phân loại, xử lý...
Tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2019, đặt mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, nhằm kiềm chế sự gia tăng của loại tội phạm này trên địa bàn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019.
Tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng ngừa mua bán người. Nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, củng cố, mở rộng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên về phòng, chống mua bán người.
Tăng cường phát hiện, đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới; đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, kịp thời tội phạm mua bán người; ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng tội phạm mua bán người, kịp thời phối hợp giải cứu, tiếp nhận hồi hương nạn nhân bị mua bán.
Mục tiêu của năm 2019 là 50% trở lên người dân tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em được tiếp cận các thông tin, kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến mua bán người; trên 85% xã, phường, thị trấn nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người.
100% tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn; 100% thông tin liên quan mua bán người được cơ quan có thẩm quyền phân loại, xử lý; những vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người được xác minh theo quy định của pháp luật; đạt 95% số vụ mua bán người được truy tố, xét xử trên tổng số vụ do Viện Kiểm sát, Tòa án thụ lý; So với năm 2018 tăng ít nhất 2% tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án mua bán người trên tổng số các vụ việc được phát hiện.
100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành xác minh, xác định nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật.
100% các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 phần có liên quan đến tội phạm mua bán người, bảo vệ nạn nhân được triển khai thực hiện; 100% các văn bản pháp luật khác có liên quan đến phòng chống mua bán người được theo dõi, thi hành và đánh giá hiệu quả.
100% số vụ, việc mua bán người có yếu tố nước ngoài được các cơ quan chức năng xem xét, phối hợp đề nghị lực lượng thực thi pháp luật các nước và các tổ chức quốc tế có liên quan để giải quyết.
Tỉnh Yên Bái chỉ đạo toàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và năm 2019, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các đề án theo Quyết định 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kiến nghị số 1526/KN-UBTP14 ngày 28/9/2018 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội (khóa XIV) về thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người.
Kịp thời triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch định kỳ về kiểm tra, tổng điều tra khảo sát và các kế hoạch đột xuất khác của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài trong tình hình hiện nay.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, kịp thời phát hiện và đề xuất các kế hoạch, biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để bọn tội phạm lợi dụng sơ hở để hoạt động phạm tội; ra thông báo về phương thức thủ đoạn mới của bọn tội phạm, những chính sách pháp luật có liên quan, những đơn vị làm tốt, những đơn vị làm chưa tốt để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện Chương trình.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, kịp thời phổ biến các chính sách, pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các biện pháp phòng ngừa, cách thức giải quyết, ứng phó cho người dân nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ mình, trong đó tập trung tuyên truyền hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2019; tổ chức thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”, trọng tâm là tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” tại các địa bàn trọng điểm, kết hợp sơ kết các mô hình truyền thông cơ sở bền vững, hiệu quả. Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo cáo viên, tuyên truyền viên có đủ năng lực, trình độ, kiến thức…Khảo sát, xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng ngừa hiệu quả mua bán người trên địa bàn, tư vấn nâng cao nhân thức cho nạn nhân, gia đình và cộng đồng về phòng chống mua bán người, tuyên truyền nhằm xóa bỏ kỳ thị đối với nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng.
Tiến hành quản lý văn hoá, du lịch, hệ thống thiết chế văn hoá ở cơ sở thông qua các hoạt động văn hoá, du lịch, kinh doanh, dịch vụ… tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.
Cùng với đó, công tác đấu tranh chống tội phạm mua bán người chú trọng vào việc tổ chức điều tra cơ bản, chủ động nắm tình tập trung điều tra, thu thập, kịp thời bổ sung, điều chỉnh thông tin về tuyến, địa bàn trọng điểm, dựng sơ đồ đường dây, đối tượng nổi, nhất là bọn chủ mưu cầm đầu, dự báo xu hướng hoạt động của tội phạm, kịp thời xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp và có đối sách đấu tranh ngăn chặn; tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm của công dân, thông tin, tài liệu trên báo chí hoặc của cơ quan, tổ chức xã hội, nhằm phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người, tiến hành khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật; làm rõ tính chất, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển tội phạm; chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra, khám phá vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; tổ chức thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người qua biên giới (đặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc); Phối hợp làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ngăn chặn hành vi xuất nhập cảnh trái phép và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, kịp thời phát hiện các đường dây, đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội mua bán người đấu tranh ngăn chặn và xử lý theo quy định.
Tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân; thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân và người thân thích của họ trong quá trình xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật; tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú và thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định; chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân và đưa nạn nhân về nơi cư trú.
Cùng với đó, sẽ tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật phòng chống mua bán người, Bộ Luật hình sự (năm 2015) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự (năm 2017), có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó có phần liên quan đến tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân; Nghị định số 24/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và các văn bản liên quan khác, nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống mua bán người.
Mỹ Hằng
TAG: