Yên Bái đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động
(LĐXH)- Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Cùng với đó là sự dịch chuyển về cơ cấu lao động, chất lượng nguồn nhân lực đã có sự cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương và bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, giảm bớt khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh; phải gắn với sự phát triển của các khu đô thị, các vùng kinh tế trong tỉnh và của khu vực, gắn với sự phân công, hợp tác lao động trong tỉnh, trong khu vực và của cả nước.
Mục tiêu đến năm 2025, lao động nông nghiệp còn khoảng 51,9% lao động (bình quân mỗi năm chuyển dịch 2% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tương ứng với khoảng 6.600 lao động/năm).
Riêng năm 2023 phấn đấu giải quyết việc làm cho 19.500 lao động; tuyển mới đào tạo nghề 18.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,4%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 36,6%; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp năm 2023 là 7.000 người; phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 54,07%.
Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp của Yên Bái là tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động nông nghiệp, nhằm hình thành cơ cấu lao động hợp lý, phù hợp với sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế…
Tỉnh xác định tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, vai trò vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời, làm tốt công tác hướng nghiệp phân luồng, tuyển sinh học sinh từ THCS và THPT vào học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tập trung tuyển sinh nhóm lao động trong độ tuổi từ 15-35 đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đào tạo các nghề phi nông nghiệp, nhất là các nhóm nghề cơ khí, kỹ thuật, du lịch, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; triển khai có hiệu quả phát triển nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; hiện đại hóa hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động và tăng cường các kênh giao dịch việc làm. Năm 2023, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 19.500 lao động
Đặc biệt, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn vào phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ nhằm thu hút, tuyển dụng, sử dụng nguồn lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, tạo việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm bớt lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, góp phần thu hút đầu tư phát triển các ngành kinh tế; nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm cho phù hợp, nâng cao vị thế của người lao động, tăng thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội; hạn chế tệ nạn xã hội, khắc phục khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn./.
Minh Hồng
TAG: