Yên Bái: Công tác xã hội gắn với bảo vệ môi trường sống
(LĐXH)- Trong bối cảnh công tác xã hội là một nghề mới được công nhận, còn khá mới mẻ đối với các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh, nhưng Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đã lựa chọn hướng đi hoạt động phù hợp với nguồn lực của mình, bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Điểm tựa của những mảnh đời thiếu may mắn
Ông Phạm Công Quyết – Giám đốc Trung tâm cho biết: Đóng góp một phần nhỏ trong công tác an sinh xã hội tại địa phương, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội bắt đầu triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội từ ngày 01/6/2014. Sau 5 năm triển khai, đã dần khẳng định vai trò của mình trong hoạt động trợ giúp người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm cung cấp cho hai nhóm đối tượng: Nhóm đối tượng được tiếp nhận, nuôi dưỡng dài hạn và Nhóm đối tượng tại cộng đồng (bao gồm cả dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp).Khuôn viên Trung tâm thoáng mát, thân thiện với môi trường
Đối với cung cấp dịch vụ khẩn cấp: Đã tiếp nhận thông tin, thực hiện hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho hơn 100 trường hợp bao gồm trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, trẻ em lang thang, trẻ bị bỏ rơi, người bị bạo lực gia đình. Các trường hợp đều được nhân viên công tác xã hội tư vấn, hỗ trợ ổn định tâm lý, đưa đi khám chữa bệnh, cung cấp đồ dùng sinh hoạt và nơi ở an toàn trước khi bàn giao về gia đình. Nhiều trường hợp được kết nối tới các đơn vị cung cấp dịch vụ khác để được chuyển tuyến, trị liệu tâm lý, hỗ trợ sinh kế, chữa bệnh, học nghề. Trung tâm đã kết nối tốt với các cơ quan, ban ngành liên quan cùng vào cuộc, đặc biệt trong việc can thiệp khẩn cấp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục.
Đối với dịch vụ quản lý trường hợp tại cộng đồng: 5 năm qua đã lập hồ sơ quản lý, trợ giúp cho 540 trường hợp tại cộng đồng. Để thực hiện hoạt động này, nhân viên CTXH đến từng hộ gia đình thu thập thông tin, đánh giá vấn đề gặp phải, cùng gia đình xây dựng mục tiêu giải quyết vấn đề của họ và phối hợp với chính quyền địa phương, kết nối các nguồn lực của gia đình và bên ngoài cộng đồng để giúp đỡ đối tượng.
Để đối tượng tiếp cận dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm một cách thuận lợi, đặc biệt hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp, Trung tâm đã thiếp lập đường dây tư vấn miễn phí đầu số 18001776. Mỗi năm có hàng trăm cuộc tư vấn được thực hiện qua việc cung cấp thông tin về chế độ chính sách, tư vấn hỗ trợ tâm lý và các cuộc gọi báo tin về các trường hợp khẩn cấp cần sự giúp đỡ tại cộng đồng.
Đối với công tác tiếp nhận, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, trung bình mỗi năm thực hiện nuôi dưỡng từ 90-100 đối tượng đảm bảo chế độ chính sách quy định. Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong 5 năm qua đã hơn 30 trẻ em được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, trong đó có cháu đã tốt nghiệp đại học, học nghề và có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Ông Phạm Công Quyết nhấn mạnh: Ghi nhận những kết quả của Trung tâm trong hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, trong những năm qua Trung tâm đã vinh dự được Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và được công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Nhiều cá nhân được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được tặng Bằng khen, Giấy khen.
Gắn với bảo vệ môi trường sống
Trung tâm luôn quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường sống, không những tại đơn vị mà cả nơi Trung tâm đứng chân. Đến thăm Trung tâm, khách dễ dàng nhận thấy cảnh quan môi trường ở đây được lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm lo, quan tâm. Khuôn viên Trung tâm luôn được chăm sóc sạch đẹp, tạo cảm giác thư giãn để đối tượng yên tâm điều trị, sinh sống. Các phòng chức năng luôn được vệ sinh sạch sẽ; khu nhà ở thoáng mát, được khử trùng thường xuyên nên hầu như không có bệnh dịch lây lan.Trồng cây xanh tại khuôn viên Trung tâm
Có thể thấy, Yên Bái là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đối khí hậu, nhất là vào mùa mưa lũ. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục đợt thiên tai, đặc biệt là hai đợt lũ quét lịch sử xảy ra trong tháng 8/2017 tại huyện Mù Cang Chải và tháng 10/2017 tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Chỉ tính riêng năm 2017, thiên tai đã làm cho 53 người chết và mất tích, 33 người bị thương; hư hỏng 3.649 căn nhà; thiệt hại 5.547 ha sản xuất nông nghiệp, 23.100 con gia súc, gia cầm; phá hủy trên 500 công trình hạ tầng kỹ thuật... Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.855 tỷ đồng.
Khi thiên tai xảy ra, nạn nhân đa số rơi vào những người yếu thế thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những người khuyết tật, người già, trẻ em lang thang, người nghèo, nhà cử tạm bợ… thuộc diện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, không những khi thiên tai xảy ra mà kể cả trước đó, những đối tượng này có nhu cầu lớn, đòi hỏi về dịch vụ và phúc lợi xã hội.
Để dịch vụ CTXH liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường bao phủ đến các đối tượng và phát huy hiệu quả, Trung tâm đã phối hợp với Phòng LĐTB&XH và chính quyền các địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn cho các đối tượng. Khi thiên tai xảy ra, cán bộ Trung tâm cùng các lực lượng chức năng khác thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.
Những năm gần đây, Trung tâm còn đa dạng hóa các phương thức trợ giúp, kết nối và xây dựng mạng lưới cơ sở trong và ngoài tỉnh để cung cấp dịch vụ xã hội cho đối tượng có nhu cầu tại cộng đồng trước, trong và sau thiên tai./.
Hồng Hà
TAG: