Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Yên Bái: Chung tay phòng, chống nạn mua bán người
04:50 PM 04/10/2019
Hiện nay, tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đưa ra những giải pháp quyết liệt đấu tranh phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.
Theo báo cáo của Bộ công An, tại Việt Nam, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện hơn 1.000 vụ, với gần 1.500 đối tượng, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân, trong đó có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc (chiếm 84,2% tổng số vụ), với 1.187 đối tượng (chiếm 82,9% tổng số đối tượng), lừa bán 2.319 nạn nhân (chiếm 86,7% tổng số nạn nhân). Các địa phương phát hiện nhiều là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh....
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đấu tranh, kiềm chế và đẩy lùi một cách có hiệu quả loại tội phạm này, đặc biệt là hoạt động phối hợp của ngành Công an với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người, từ truyền thông, giáo dục phòng ngừa đến trực tiếp hỗ trợ các nạn nhân.
Phụ nữ và trẻ em ở vùng cao Yên Bái luôn là đối tượng bọn buôn người nhắm đến
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Mua bán người là tội phạm diễn biến phức tạp, xảy ra trên phạm vi cả nước; trong đó hơn 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em. Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam xác định trách nhiệm của mình và đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người, từ truyền thông, giáo dục phòng ngừa tại cộng đồng, tư vấn cho phụ nữ có dự định kết hôn với người nước ngoài cho đến các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cho đến các hoạt động trực tiếp hỗ trợ nạn nhân như tư vấn pháp lý, tư vấn việc làm, học nghề, vay vốn.
Yên Bái là tỉnh miền núi, có hơn 30 dân tộc sinh sống, đời sống của một bộ phận đồng bào khó khăn, một số tập tục lạc hậu như: “Bắt vợ”, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn... vẫn diễn ra ở các huyện vùng cao. Do trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Một số chị em phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, hoàn cảnh gia đình éo le, kinh tế khó khăn, không có việc làm... có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người (MBN).
Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có biến động lớn, chưa phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm. Tuy nhiên, tình hình mua bán người trên địa bàn tỉnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Tội phạm xảy ra chủ yếu tại địa bàn các huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống (các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên). Đối tượng phạm tội thường là người dân tộc Mông ở địa phương, câu kết với các đối tượng ở các tỉnh lân cận như Lào Cai, Lai Châu hoặc thông qua người quen đang làm ăn sinh sống ở các tỉnh biên giới và ở bên Trung Quốc để phạm tội.
Tội phạm mua bán người tại Yên Bái tập trung ở địa bàn người dân tộc thiểu số, vùng cao hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống (các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên).  Đối tượng phạm tội thường là người dân tộc Mông ở địa phương, câu kết với các đối tượng ở các tỉnh lân cận như Lào Cai, Lai Châu hoặc thông qua người quen đang làm ăn sinh sống ở các tỉnh biên giới và ở bên Trung Quốc để phạm tội. Các đối tượng thường làm quen qua điện thoại, mạng xã hội, hoặc trực tiếp gặp gỡ rủ nạn nhân đi làm các công việc nhàn hạ, với mức thu nhập cao; rủ đi lấy chồng người Trung Quốc hứa hẹn cuộc sống sung sướng; giả vờ yêu nhau, đưa đi chơi, đưa về thăm gia đình... sau đó lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.
Nạn nhân bị mua bán thường là những trẻ em gái và phụ nữ người dân tộc Mông do nhẹ dạ, cả tin, trình độ dân trí hạn chế, hoàn cảnh gia đình éo le, kinh tế khó khăn, không có việc làm...
Điển hình vụ Thào A Vinh, SN 1998, trú tại bản Hủa Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cùng đối tượng Lờ A Thông, SN 1991, trú tại bản Cáng Dông, xã Lao Chải, lừa bán hai học sinh cùng sinh năm 2002 cho hai người Trung Quốc lấy 18 nghìn tệ (khoảng hơn 50 triệu đồng). Một thời gian sau, một trong hai nạn nhân lợi dụng lúc người mua sơ hở, đã trốn thoát và tìm đến đồn công an Trung Quốc trình báo, sau đó được trao trả qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Công an huyện Mù Cang Chải sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai tên Vinh và Thông để truy tố trước pháp luật. Đến nay, nạn nhân còn lại  vẫn lưu lạc xứ người, không có thông tin gì.
Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm mua bán người, tỉnh Yên Bái có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó chú trọng công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng, tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người từ nước ngoài trở về.
Các tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân... đã tổ chức tuyên truyền cho hội viên; tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm về nâng cao năng lực phòng chống mua bán người cho hội viên thông qua các nội dung người thật, việc thật để tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác của người dân trong tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn xác định rõ nhiệm vụ trong công tác phòng chống mua bán người. Hội đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được các cấp để bảo đảm các nạn nhân tái hòa nhập thành công.
Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và ban hành các kế hoạch chỉ đạo các cấp hội triển khai lồng ghép với hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên và Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh như: phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người, bạo lực gia đình…Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” nhằm nâng cao nhận thức, hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người.
Các cấp Hội LHPN đã làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, đường lối và nghị quyết của Đảng các cấp, tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền các văn bản luật, các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, vận động các nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mua bán người (MBN) cho hội viên, phụ nữ và người dân, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng...
Để các nạn nhân nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về được triển khai phù hợp với nguyện vọng và được cấp ủy, chính quyền ủng hộ, giúp nạn nhân ổn định cuộc sống. Hội LHPN tỉnh chủ động tìm kiếm, vận động các nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài để triển khai các hoạt động phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tăng cường cung cấp tài liệu tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác phòng, chống mua bán người./.
Phú Hưng - Thanh Hà
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật