Văn bản pháp luật
Trang chủ / Pháp luật / Văn bản pháp luật
Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
05:43 PM 08/08/2024
(LĐXH)- Ngày 8/8/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu- Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống” để tiếp tục ghi nhận và phản ánh các ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, các đối tượng chịu tác động trực tiếp, gián tiếp… nhằm đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật này.
Tham dự Hội thảo có các đại diện đến từ Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia kinh tế, y tế, pháp luật, xã hội, các hiệp hội và đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Dự thảo luật.
Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi với nhiều sửa đổi quan trọng. Đối với ngành đồ uống, các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của đề xuất điều chỉnh của luật, với đề xuất: Tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những đóng góp quan trọng của ngành đồ uống trong sự phát triển kinh tế quốc gia.
Ban Chủ trì Hội thảo Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) và ngành đồ uống
Ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng bên cạnh giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời, đồ uống đã tồn tại song hành với đời sống của người dân Việt Nam từ nhiều năm và là một phần không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng như hiếu, hỷ, tiếp khách, thờ cúng tổ tiên, mang một nét đẹp riêng trong văn hóa ẩm thực của người Việt, đã trở thành chất xúc tác cho những buổi gặp gỡ, gắn kết. Sản phẩm bia, rượu vẫn thường xuất hiện trong các bữa tiệc chiêu đãi ngoại giao, các nguyên thủ quốc gia khi tới đất nước Việt Nam, v.v
Đã có rất nhiều công trình khoa học trên thế giới chứng minh bia, rượu vang nếu sử dụng ở mức độ hợp lý có lợi cho sức khỏe tùy điều kiện sức khỏe của mỗi người, sẽ có mức sử dụng hợp lý khác nhau. 
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, nóng quanh năm ở miền Nam, miền Trung và miền Bắc thì trên nửa năm, tuy không phải là đất nước có xuất xứ về bia nhưng bia là sản phẩm đồ uống có độ cồn thấp, phù hợp với nhu cầu giải khát và được người tiêu dùng đón nhận. Ngành đồ uống đã cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội và bình ổn thị trường. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường còn phục vụ cho xuất khẩu, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong điều kiện kinh tế hội nhập.
Với vốn đầu tư lớn, tầm nhìn dài hạn, ngành đã phát triển chuỗi các nhà máy phân bố hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. Với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (trên 51 tỉnh, thành phố), tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong các cơ sở nhà máy sản xuất và trong chuỗi cung ứng, dịch vụ từ các đơn vị cung cấp nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, các ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng, logictics v.v. đảm bảo lưu thông trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Ngành đồ uống có vai trò kinh tế và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ/năm và luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp hướng tới một ngành đồ uống trách nhiệm và phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai.
TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu- Nước giải khát Việt Nam
Những khó khăn của ngành 
Ngành đồ uống luôn tuân thủ tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối các quy định pháp luật có liên quan đặc biệt là các chính sách về thuế: Thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, thu nhâp doanh nghiệp cùng với các trách nhiệm đối với xã hội. Luôn ưu tiên cho các nghiên cứu, sáng kiến cho chất lượng và sự an toàn của sản phẩm.
Trong mấy năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do Covid - 19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế... nên các doanh nghiệp đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động. 
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn đang rất khó khăn, theo ghi nhận các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận... của các doanh nghiệp trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số kéo theo đó là cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, dịch vụ, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào đều bị ảnh hưởng.
Các doanh nghiệp phải tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động...
Toàn cảnh Hội thảo
Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình việc tăng thuế suất đối với ngành đồ uống
Với đề xuất của Bộ Tài chính: tăng thuế TTĐB cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, nhiều đại biểu đã bày tỏ những quan điểm thẳng thắn.
Trước 2 phương án tăng thuế cao và sốc đối với mặt hàng rượu, bia mà Ban soạn thảo đề xuất hiện nay, doanh nghiệp chưa thể đánh giá được hết các tác động, báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách mà chưa có các đánh giá định lượng mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể tới giảm sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp là bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuối cung ứng, dịch vụ ra sao?
Tại Hội thảo, đại diện VBA và các doanh nghiệp ngành đồ uống bày tỏ sự thấu hiểu và chia sẻ với các mục tiêu quản lý nhà nước cũng như sự ổn định, an toàn sức khỏe của người dân & cộng đồng. VBA và các doanh nghiệp ngành đồ uống cũng bày tỏ sự ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế, tuy nhiên đối với 02 phương án lấy ý kiến lần này theo các đại diện cần xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình, xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.
 Đối với mặt hàng nước giải khát có đường hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm v.v. Xem xét chưa nên bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong giai đoạn này. Cần đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học với đề xuất mặt hàng mới này./.
Hải Uyên
TAG: Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bia và nước giải khát có đường Hiệp hội Bia-Rượu- Nước giải khát Việt Nam
Tin khác
10 tháng năm 2023: Ngành Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ khoảng 2,7 tấn ma túy các loại
Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị phối hợp bắt giữ hơn 29,8 nghìn viên ma túy tổng hợp
Ngành Hải quan xem xét xử lý trách nhiệm công chức trong vụ buôn lậu sợi Polyester
Tổng cục Hải quan hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam
 5 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan phát hiện, xử lý 6.540 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
VLUTE ký kết mô hình 'Cổng trường an toàn giao thông”
Phát hiện nhiều thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi
Hải quan Hải Phòng bắt giữ số ngà voi nhập lậu lớn nhất từ trước đến nay
Kịp thời khen thưởng động viên đảng viên nhập ngũ tham gia bắt cướp