An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Xứng đáng nhân rộng mô hình Câu Lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở Bắc Ninh
06:27 PM 09/11/2021
(LĐXH)-Trong những năm qua, công tác chăm sóc người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh luôn được các cấp, ngành, chính quyền địa phương, Hội NCT các cấp và toàn xã hội quan tâm, tạo động lực mạnh mẽ để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích, trong đó việc xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập cho những NCT thiệt thòi trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Lương Tài, CLB LTHTGN ở thôn Lai Đông 2, xã Trung Chính  là một trong 2 CLB trên địa bàn huyện được Ban đại diện Hội NCT tỉnh chọn làm thí điểm nhằm thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình CLB LTHTGN. Được thành lập từ tháng 5-2018 đến nay, CLB thu hút gần 60 thành viên là những cán bộ, hội viên Hội NCT, hội viên các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư, trong đó 70% là nữ, 30% nam, 70% người có hoàn cảnh khó khăn, 70% người từ 55 tuổi trở lên. Từ nguồn kinh phí 130 triệu đồng được hỗ trợ  theo Quyết định số 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, CLB đã cấp vốn vay cho 24 thành viên, tùy theo nhu cầu, số vốn được hỗ trợ để đầu tư cho chăn nuôi lợn, gà, bồ câu, thả cá…. Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Bình, nhờ được hỗ trợ vay vốn đã đầu tư mở rộng diện tích với 4 sào ao thả cá, mua máy sục tạo ôxy…  cho năng suất thu hoạch cá tăng hơn, đạt doanh thu 200 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình các thành viên CLB dần ổn định, ngày càng  phát triển.

Sinh hoạt văn hóa văn nghệ của CLB thôn Lai Đông 2, xã Trung Chính (huyện Lương Tài) 

Với cách tiếp cận liên thế hệ, dựa vào cộng đồng và tự giúp nhau, sau hơn 3 năm thành lập, CLB LTHTGN thôn Lai Đông 2 vẫn đều đặn mỗi tháng sinh hoạt một lần với các nội dung như: Truyền thông về quyền và lợi ích, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCT; chăm sóc, kiểm tra sức khỏe, nhận biết các bệnh thường gặp ở NCT và cách thức phòng ngừa; chia sẻ kinh nghiệm tăng gia, sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập cho NCT;  tổ chức các tiết mục văn nghệ, thể dục dưỡng sinh phù hợp với NCT… CLB đã tạo ra môi trường sinh hoạt nhân văn, bổ ích, thu hút các thành viên tham gia nhiệt tình, lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng. Chẳng hạn như, khi rà soát trong thôn có cụ Nguyễn Thị Cẫm, 92 tuổi, con gái mắc bệnh tâm thần, con trai đi làm kinh tế xa nhà, nhiều tình nguyện viên trong CLB đã xung phong hằng ngày đến hỗ trợ dọn vệ sinh nhà cửa, nấu ăn, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn uống thuốc hay trò chuyện  giúp cụ Cẫm vơi bớt khó khăn của tuổi già.
Tại huyện Gia Bình, CLB LTHTGN thôn Lập Ái, xã Song Giang được thành lập từ tháng 4/2018, với 58 thành viên gồm nhiều thế hệ, thành phần dân cư, trong đó chủ yếu là NCT nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và tinh thần. Đây là một trong những CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đầu tiên của tỉnh và của huyện Gia Bình. CLB duy trì sinh hoạt 1 lần/tháng với các nội dung phong phú, hấp dẫn thu hút các thành viên tham gia. Với số vốn ban đầu 130 triệu đồng từ Dự án VIE070 do Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (HAI) tài trợ và nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, CLB đã cho các thành viên vay để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình… Đến nay, CLB đã cho 41 lượt thành viên vay vốn với lãi suất thấp phát triển sản xuất, giảm nghèo, tăng thu nhập.
Song song với hoạt động xóa đói giảm nghèo, CLB còn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho các thành viên; thăm hỏi, tặng quà các gia đình NCT thuộc diện chính sách, NCT nghèo, cô đơn, khó khăn nhân dịp lễ, Tết, ngày truyền thống NCT. Bên cạnh đó, các thành viên trong CLB còn giúp đỡ nhau, giúp đỡ người dân bằng nhiều hình thức như hàng ngày đến chăm sóc, giúp đỡ tại nhà, làm cỏ, làm đất, thu hoạch mùa màng cho các thành viên bị ốm, hoạn nạn; phối hợp với các cấp ủy, chính quyền tại địa phương đảm nhận việc thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm… Gia đình bà Nguyễn Thị Gang là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn được các thành viên của CLB giúp đỡ. Bà Gang có con gái Nguyễn Thị Đan (sinh năm 1983) bị loạn tủy từ nhỏ, mọi sinh hoạt hàng ngày đều cần người giúp đỡ. Từ khi được các tình nguyện viên CLB nhận đến chăm sóc, giúp đỡ chị Đan, cuộc sống của gia đình bà đã tốt hơn nhiều. Ngoài việc chăm sóc, giúp đỡ chị Đan thực hiện các sinh hoạt hàng ngày, các tình nguyện viên còn chia sẻ, động viên, để chị vơi đi nỗi buồn bệnh tật.
Có thể nói, được triển khai từ năm 2018, mô hình CLB LTHTGN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã mang lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi ở địa phương. Toàn tỉnh hiện có 16 CLB LTHTGN được thành lập tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố, với tổng số 906 hội viên (trung bình từ 50-70 hội viên/ CLB).
Với 6 nội dung cụ thể, các CLB sinh hoạt định kì hằng tháng sinh hoạt đều đặn, nền nếp, nội dung phong phú, bổ ích. Tại các buổi sinh hoạt, hội viên tập trung thảo luận “hoạt động tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng”, qua đó lựa chọn ra những trường hợp NCT đặc biệt khó khăn cần sự giúp đỡ. Các CLB từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe hội viên, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; hằng tháng các hội viên được kiểm tra cân nặng và đo huyết áp. Các CLB phối hợp với trạm y tế xã, phường lập sổ theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kì cho 100% hội viên; vận động, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế… giúp hội viên tránh các rủi ro do tuổi cao, bệnh tật.

Các tình nguyện viên của CLB Liên thế hệ thôn Lai Đông 2, xã Trung Chính (huyện Lương Tài) động viên, chăm sóc sức khỏe cho NCT có hoàn cảnh khó khăn
Các CLB có nhiều NCT hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người đau yếu, tuổi cao sống một mình; có hộ chỉ có hai vợ chồng tuổi cao, ốm yếu nương tựa vào nhau; có người bệnh tật lâu năm không người chăm sóc... Vì vậy, các CLB lên danh sách cụ thể rồi phân công hội viên tình nguyện đến nhà giúp chăm sóc sức khỏe, nấu ăn, quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, xoa bóp chân tay, hướng dẫn ăn uống điều độ... Công tác này ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn thông qua các đợt tập huấn và các buổi sinh hoạt tại CLB. Hiện mỗi CLB có từ 8 - 10 tình nguyện viên, nhận chăm sóc ít nhất 5 người, thăm và giúp đỡ 3 lần/ tuần). Tình nguyện viên của CLB cung cấp nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe, động viên, giúp đỡ những NCT hoàn cảnh thiệt thòi như làm bạn, giúp việc nhà, việc đồng áng, chăm sóc y tế đơn giản…
Về hoạt động tăng thu nhập, giúp nhau nâng cao đời sống vật chất và thoát nghèo, từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu khi thành lập (130 triệu với CLB thành lập năm 2018 và 100 triệu với CLB thành lập năm 2019, 2020), các CLB còn tích cực huy động nguồn lực từ hội viên thông qua hình thức gây quỹ cho các hoạt động tập thể và tiết kiệm nguồn vốn cho 465 lượt hội viên vay với số tiền gần 1,9 tỷ đồng  để phát triển kinh tế. Mỗi CLB đều thảo luận công khai, cho từ 22 - 28 hội viên vay để phát triển kinh tế gia đình; tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn, học tập các mô hình làm kinh tế, chuyển giao khoa học kĩ thuật giúp hội viên phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, bền vững. Tính đến cuối năm 2020, có ít nhất 70% gia đình tham gia CLB LTHTGN có thu nhập tăng từ 20% trở lên.
Song song đó, các CLB quan tâm thực hiện công tác vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, tổ dân phố; tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh, thành phố đến nhân dân trong các buổi sinh hoạt định kỳ; vận động hội viên rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại, tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao. Hiện các CLB đều có đội văn nghệ, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh…
Từ những hoạt động ý nghĩa, thiết thực của CLB LTHTGN, thời gian qua, NCT trong tỉnh Bắc Ninh đã phát huy tinh thần tuổi cao gương sáng, biết động viên nhau chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thời gian tới, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tham gia và nhân rộng mô hình CLB LTHTGN tại các địa phương;
tập trung đổi mới hình thức sinh hoạt để giúp đỡ thành viên tham gia phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, xây dựng các tiết mục văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh cho người cao tuổi trong tỉnh”./.

Mỹ Hằng
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công