Như đã đưa tin, trong phiên chất vấn sáng 5/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định con số thống kê 2.000 trường hợp trẻ bị bạo lực hàng năm ở nước ta có thể là con số chưa đầy đủ do thiếu thông tin. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Việt Nam có đầy đủ khuôn khổ pháp lý bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56, Chỉ thị 18 cùng nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là gần đây những vụ việc nổi cộm đã được xử lý nghiêm minh. hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ, rõ trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Cụ thể, Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán và tội phạm liên quan tới trẻ em; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi trẻ em; UBND các cấp quản lý Nhà nước ở địa phương về bảo vệ trẻ em...
Tuy nhiên, tư lệnh ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, thời gian qua một số vụ xử lý kéo dài, chưa nghiêm minh; nhiều vụ khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì mới tiến hành xử lý. "Các cơ quan quản lý cũng cần nhìn lại, đánh giá hoạt động của mình", ông Dung nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhiều lần bấm nút phát biểu, đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phải giải trình kỹ trước thực trạng số liệu thống kê cho hay có 2.000 vụ bạo hành trẻ em mỗi năm, trong đó xâm hại tình dục đã là 1.500 vụ... "Với tư cách Bộ trưởng, đồng thời là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em, Bộ trưởng có giải pháp mạnh mẽ nào để đẩy lùi tình trạng này?"- Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn. Đồng thời, bà Nga cũng cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có phiên giải trình, đồng thời kiến nghị với 3 cơ quan tư pháp về một nội dung liên quan đến công tác điều tra, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em. "Chúng tôi đã kiến nghị nhưng các cơ quan tư pháp chưa trả lời. Trong buổi chất vấn này, chúng tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trả lời cụ thể về giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh hành vi xâm hại tình dục trẻ em".
Theo bà Nga, cơ quan chức năng có những khó khăn khách quan trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em, nhưng cũng có những vụ nhà chức trách "không tích cực". Đơn cử vụ ở Cà Mau, cháu bé đã tự tử sau khi bị xâm hại và Thủ tướng lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc; vụ Nguyễn Khắc Thủy thì Chủ tịch nước phải có ý kiến... “Với những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Cùng mạch ý kiến, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho biết tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ 1 cháu, thì có ít nhất có 10 cháu bị 2 vụ, với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Về nguyên nhân, 6% số vụ liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình. "Vậy xin hỏi Bộ trưởng, giải pháp nào là căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?"- đại biểu Tuấn nêu câu hỏi.
Trước kiến nghị của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn mời cơ các quan tư pháp trả lời, giải trình các vấn đề liên quan đến tình trạng bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.
Chia lửa cùng Bộ trưởng Dung trước bức xúc của các đại biểu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhận định xâm hại trẻ em là vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, vấn đề này được đưa ra không chỉ trong kỳ họp này. Ông Trí đưa ra con số, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng đã khởi tố 701 vụ, trong đó có 486 vụ đã xét xử với 490 bị can. Theo ông Trí, để giải quyết vấn đề trên cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ và tiếp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt trong quá trình thực thi, đề nghị yêu cầu phối hợp chặt chẽ hơn nữa của 17 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em theo luật định.
Từ tháng 12/2017, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành thông tư liên tịch để phối hợp trong việc tiếp nhận tin báo tố giác hành vi phạm tội, đặc biệt tội xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng Toà án nhân dân tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về đối tượng tham gia tố tụng dưới 18 tuổi; dự kiến đầu quý III sẽ ban hành. “Đây là cơ sở pháp lý hướng dẫn việc điều tra, truy tố, khởi tố, xét xử loại tội phạm này”, ông Trí nói.
Giải trình sau đó, Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu số liệu thống kê, giai đoạn 2013-2017, Tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em với 5 tội danh khác nhau theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, có 549 vụ xâm hại tình dục trẻ em phải trả hồ sơ (chiếm 6%); số còn lại 93% vụ xét xử đúng người, đúng tội. Mặc dù số lượng hồ sơ gửi trả không nhiều nhưng lại gây bức xúc mạnh trong dư luận “đây không phải là những vụ khó trong xét xử nhưng lại rất khó trong quá trình thu thập chứng cứ do bị kéo dài thời gian khai báo, vẫn còn tâm lý xấu hổ, lo ngại của người dân, có những loại tội giám định nạn nhân là bắt buộc nhưng gia đình từ chối”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.
Một trong những vấn đề đặt ra của ngành Tòa án là phải hạ tỷ lệ số vụ trả hồ sơ, điều tra bổ sung, sửa án. Để làm được điều đó, ngành phải làm rất nhiều việc, “Tòa án chúng tôi cũng đã làm rất nhiều việc để thực hiện viêc này. Đối với nhiệm vụ hướng dẫn pháp luật chúng tôi ban hành rất nhiều hướng dẫn nghiệp vụ, xuất bản 3 tập giải đáp về nghiệp vụ”, ông Bình cho biết.
“Thực tế, chúng tôi đã phối hợp với Viện kiểm sát, Bộ Công an xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn để xử lý các loại tội phạm này. Thứ 2 năng cao năng lực cán bộ thực thi, tập huấn cho hơn 6.000 thẩm phán trên 800 điểm cầu. Đồng thời, ban hành những thông tư hướng dẫn xây dựng toà thân thiện, toà gia đình, trong đó có vụ án xâm hại tình dục”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm.
Về giải pháp triển khai, tổ chức, ông Bình cho biết, vừa ban hành thông tư thay đổi toà chuyên trách, yêu cầu tất cả toà địa phương, trong đó có các toà cấp huyện đủ điều kiện hình thành toà chuyên trách về hôn nhân gia đình, vị thành niên. Hiện mô hình tòa thân thiện dành cho các vụ án hôn nhân gia đình, xâm hại tình dục trẻ em cũng được xây dựng, đang đưa vào thực thi trên toàn quốc. Với những vụ án xâm hại tình dục thì xét xử kín, thậm chí không ra tòa, chỉ phỏng vấn qua micro để không ảnh hưởng tâm lý người liên quan. “Chúng tôi cũng có thông tư ban hành mô hình phòng xét xử đối với dự án hôn nhân gia đình, vị thành niên mang tính chất thân thiện và đã triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh Đồng Tháp và sẽ triển khai toàn quốc trong năm nay”.
Ngay tại thời điểm Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia làm rõ qúa trình điều tra, xét xử tội danh xâm hại tình dục trẻ em còn có nhiều vướng mắc trong củng cố pháp lý. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Tô Lâm trực tiếp trả lời.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến phức tạp, không chỉ trẻ em gái mà trẻ em trai cũng là nạn nhân. Tội phạm có cả người Việt Nam và đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam tập hợp trẻ để nuôi dưỡng rồi xâm hại tình dục. Theo ông, việc tố cáo tội phạm xâm hại trẻ em thường diễn ra chậm nên điều tra thu chứng cứ, dấu vết khó khăn; nhiều trường hợp nạn nhân cũng như người thân giấu thông tin khiến nhiều tội phạm thực hiện thời gian dài mới bị phát hiện; có những gia đình không hợp tác điều tra vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý trẻ.
Mặt khác, Bộ trưởng Công an nêu vụ án xâm hại tình dục thường không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân nhỏ tuổi nên khai báo không chính xác, không thống nhất, hoặc khai theo hướng dẫn của cha mẹ nên khó khăn điều tra; đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng cũng chưa thống nhất. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, Bộ trưởng Lâm cho rằng hệ thống pháp luật hiện đã quy định chặt chẽ là một thuận lợi khi đấu tranh với loại tội phạm trên. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 1999 quy định 5 tội về xâm hại tình dục, nhưng Bộ luật này sửa đổi năm 2015 quy định thành 6 tội rõ ràng.
Về phương hướng chỉ đạo hoạt động của lực lượng công an, ông Lâm nêu ra một số nhóm giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thưc phòng chống xâm hại tình dục; chấn chỉnh công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm...
Bộ trưởng Công an cũng đề nghị có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Theo ông Tô Lâm, Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt chứ không thể theo trình tự thông thường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em cũng trực tiếp chia sẻ tại Quốc hội. Theo Phó Thủ tướng vấn đề trẻ em không chỉ có câu chuyện xử lý các vụ việc. Luật Trẻ em quy định hẳn 03 cấp độ bảo vệ trẻ em. Chúng ta có một khung pháp lý rất chặt chẽ với các quy định mới về trách nhiệm của các Bộ, ngành, do đó, đề nghị khi nói về giải quyết vấn đề trẻ em phải “đồng khởi”, bao gồm trách nhiệm từ cấp cơ sở, ở đó có sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ....
Theo Phó Thủ tướng, về các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nói ra con số nhưng nếu nhìn rộng ra, theo các tổ chức quốc tế, họ xem xâm hại là từ lời nói, ngôn ngữ hình thể chứ không phải chỉ là hành động. Một ví dụ điển hình được đưa ra là với bảng hỏi bằng ngôn ngữ của các chuyên gia dành cho trẻ em ở Mỹ thì có tới 62% trẻ em trả lời các em có bị xâm hại. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải có quy trình điều tra xét xử thật sự thân thiện: có quy định để các chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học tham gia ngay từ đầu vụ việc xảy ra.
Bên lề nghị trường, trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng các đại biểu mổ xẻ vấn đề về thực trạng công tác bảo vệ trẻ em, đi sâu vào phòng chống xâm hại trẻ em rất đúng và sát đáng. “Buổi chất vấn là tiếng chuông cảnh tỉnh. Chúng ta càng làm tốt thì sẽ càng đưa những vụ việc ra ánh sáng”, ông Tiên nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Tiên cũng tâm tư: Nhiều gia đình cảm thấy đơn độc trong quá trình điều tra, xét xử các vụ việc, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta còn thiếu đội ngũ công tác xã hội, những người trợ giúp tại cộng đồng. Chúng ta cần cơ chế điều phối, hợp tác trong dự phòng và xét xử, ở đây vai trò của gia đình là rất quan trọng.
“Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời rất rõ ràng và thẳng thắn nhận trách nhiệm của ngành trong vấn đề này. Vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện của các địa phương và các cấp”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận./.
Nguyễn Đăng Doanh