Xóa khoảng cách, chống kỳ thị với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
Do sự kỳ thị, cũng như lo sợ căn bệnh HIV/AIDS đã khiến nhiều người trong xã hội tạo nên rào cản đối với những trẻ không may bị lây nhiễm bệnh. Trong khi đó, trẻ nhỏ vốn là đối tượng yếu thế, cần được chăm sóc, bảo vệ... Việc chung tay vào cuộc của cả xã hội để giúp trẻ vượt qua rào cản tâm lý, điều trị đúng phương pháp và sống hòa nhập với cộng đồng là việc làm hết sức quan trọng và cấp bách.
Bé K.G. (ở TP Đồng Hới, Quảng Bình) bị nhiễm HIV bị từ chối đến trường bởi hầu hết phụ huynh đều ký vào biên bản không đồng ý cho bé học chung cùng con của họ. Phải rất khó khăn, những cán bộ y tế Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS mới có thể thuyết phục, vận động, đấu tranh cùng sự hợp sức của chính quyền địa phương, bé K.G. mới được đến trường trong dòng nước mắt nghẹn ngào và nỗi đau không gì khỏa lấp của ông, bà nội - những người đang trực tiếp nuôi bé. Trong khi đó, mặc dù kết quả xét nghiệm “âm tính” với HIV, nhưng em T.T.S. (quê Sơn La) vẫn bị những người chung quanh kỳ thị, xa lánh; những người lớn trong xóm cấm con của họ chơi với em vì không muốn dính đến con của người bị “ết”. Đến tuổi đi học, mặc dù được bố, mẹ đưa đến trường tại địa phương cũng như các trường khu vực lân cận nhưng không trường nào nhận S. vào học. Sau này, một người bác của S. phải đưa em về sống cùng ở một tỉnh khác, không ai biết đến hoàn cảnh của em, khi ấy S. mới được đến trường.
Cách đây hai năm, chúng tôi gặp em N.T.X. (quê huyện Châu Thành, An Giang) tại buổi hội thảo “Tăng cường tiếp cận công lý của người nhiễm HIV tại Việt Nam”. Thoạt nhìn, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng, cô bé người nhỏ nhắn, gương mặt thân thiện đã bước sang tuổi 18. Đôi vai gầy run lên bần bật, giọng nghẹn ngào, X. khiến cả khán phòng lặng đi trước những lời bộc bạch trong nước mắt của em.
Theo dõi, điều trị cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại hệ thống phòng khám, xét nghiệm HIV tự nguyện của Hải Phòng
N.T.X. là trẻ mồ côi, sống với bà ngoại từ nhỏ. Khi biết em bị nhiễm HIV, những người sống chung quanh đều cấm con cái của họ chơi với em. Thậm chí, chính người cậu ruột của em cũng hắt hủi cô cháu gái, lúc nào cũng dặn các con phải “giữ khoảng cách” với em. X. kể: Lúc vợ cậu mới sinh em bé, con đưa tay bồng em thì bị cậu gạt đi, nói không cần. Sau này các em lớn, cậu mợ cũng không cho các em lại gần chơi với con. Họ luôn bảo “đến gần nó là bị lây bệnh”. Lúc đi học, các bạn cũng đều xa lánh, không ai chịu làm bạn với con hết. X. cho biết thêm, trong mắt mọi người, con là một đứa mang lại điều xui xẻo, có thể gây hại cho họ nên hầu như không ai chơi, phải sống lủi thủi trong ánh mắt kỳ thị của mọi người. Nhiều lúc, chính con cũng thấy khiếp sợ căn bệnh trong người mình... Từ khi bà ngoại mất, X. càng trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa, thậm chí có nhà mà không được về. Ánh sáng cũng có ở cuối đường hầm khi em được những thành viên trong Mạng lưới những người sống với HIV Việt Nam (VNP+) biết đến và giúp dần hòa nhập được với cộng đồng.
Trên thực tế, sự phân biệt đối xử, kỳ thị luôn xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào phải sống chung với HIV/AIDS, thậm chí chỉ chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS. Nỗi sợ hãi “căn bệnh thế kỷ” đã khiến các em vô tình bị người thân, họ hàng, xóm giềng xa lánh và không được đến trường như những đứa trẻ khác. Hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử là sự xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng khiến trẻ em nhiễm HIV dễ bị tổn thương, không muốn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác điều trị cho những trẻ bị HIV cũng như công tác dự phòng, tránh lây lan ra cộng đồng.
Theo Phó Cục trưởng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa: Trẻ em là đối tượng phải chịu nhiều hậu quả nặng nề do HIV/AIDS, làm hạn chế, mất đi những quyền cơ bản mà các em được hưởng. Qua nghiên cứu, rà soát các chính sách hiện hành về trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV cho thấy vẫn còn nhiều khoảng trống. Các chính sách đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc quan tâm đối với những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS, nhiều trẻ nhiễm HIV chưa được đến trường...
Theo nội dung Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020 do Chính phủ phê duyệt thì phấn đấu đến năm 2020 có 90% số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định; 90% số cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở chăm sóc và điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, các tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em HIV được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Bên cạnh đó, phấn đấu tất cả các trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu. Đến nay, Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS, theo đó, trẻ em có quyền được học hành và không bị phân biệt đối xử. Mọi hành vi gây cản trở quyền được học tập, quyền được hòa nhập và vui chơi giải trí của trẻ em nhiễm HIV đều là vi phạm pháp luật và cần được xử lý.
Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh cho biết: để những trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được chăm sóc, khám, chữa bệnh tốt nhất, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp triển khai thực hiện quyết định của Chính phủ về Kế hoạch quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đồng thời, tiếp tục mở rộng dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm và phơi nhiễm HIV. Bám sát chương trình hành động quốc gia để tiếp tục và mở rộng dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ nhiễm HIV. Tiếp tục ưu tiên duy trì điều trị bằng ARV cho trẻ nhiễm HIV, phối hợp các đơn vị chức năng chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho trẻ nhiễm HIV tại tuyến huyện, xã, phường; thực hiện tốt chương trình cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để tăng tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sống khỏe mạnh…
Thanh Mai
TAG: