Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Thời điểm quan trọng đối với Việt Nam để tạo ra kế hoạch, tác động tích cực đến công tác bảo vệ trẻ em
01:43 PM 18/04/2019
(LĐXH) – Đó là chia sẻ của Phó Trưởng Đại diện Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tại hội thảo lần thứ nhất xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đây là hoạt động do Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội phối hợp cùng Unicef tổ chức ngày 18/4, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận trong bối cảnh công tác bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn còn những thách thức, khó khăn thì sự có mặt đông đủ của quý vị đại biểu đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong nước và quốc tế đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, sự cam kết đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thứ trưởng Hà cũng khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thời gian qua, tuy nhiên "Bạo lực, xâm hại trẻ em là vấn nạn toàn cầu, có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh mạng Internet, mạng xã hội ngày càng được nhiều người sử dụng".

Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học. Phân tích các số liệu trẻ em bị bạo hành được cập nhật qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (trong 02 năm 2017, 2018) cho thấy: hơn 59% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen, hàng xóm; 21,12% đối tượng là người thân; giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm hơn 6%; các đối tượng khác gần 14%.

Lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH cùng Cố vấn Bảo vệ trẻ em Văn phòng Unicef khu vực và đại diện Unicef tại Việt Nam đồng chủ trì chương trình

Theo bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Unicef, gần đây ở Việt Nam có các vụ xâm hại trẻ rất nghiêm trọng, từ xâm hại tình dục đến bạo lực học đường. Con số 68,4% trẻ em từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục... theo như báo cáo "cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi ở Việt Nam vẫn có nhiều vụ việc không được báo cáo", theo bà Miller. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam để tạo ra kế hoạch, tác động tích cực đến công tác bảo vệ trẻ em.

Bà Miller lưu ý rằng bạo lực, xâm hại gây tác động xấu đến trẻ em, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, kết quả học hành của trẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề… Để xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, Phó Trưởng Đại diện Unicef cho rằng trước tiên phải tăng cường khuôn khổ pháp lý, sửa Luật trẻ em để mọi trẻ em dưới 18 tuổi đều được bảo vệ trước mọi hành vi bạo lực, xâm hại. Bên cạnh đó là tăng cường hệ thống an sinh xã hội, có chương trình đào tạo cho cán bộ làm công tác xã hội. Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ phải vào cuộc quyết liệt hơn. Xây dựng hệ thống, kế hoạch bảo vệ trẻ em hiệu quả cũng cần có sự lồng ghép vào chiến lược của các ngành và chương trình an sinh xã hội tổng thể của quốc gia.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Unicef

"Hiện nay tại Việt Nam vẫn còn có những thầy cô bạo hành, xâm hại trẻ, nên cần kế hoạch dài hạn, hành động liên tục, có chiến lược từ cấp cao nhất để bảo vệ trẻ em. Kế hoạch quốc gia cần có sự tham gia, ban hành đến điều hành của nhiều bộ, ngành, tất cả cùng hợp tác để bảo vệ trẻ. Kế hoạch cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, có sự giám sát các chương trình hành động của mỗi bộ, ngành", Phó Trưởng Đại diện Unicef nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đến thời điểm này, các quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Đơn cử như quy định và hướng dẫn về việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi còn chưa cụ thể, rõ ràng; các quy định pháp lý về một quy trình tố tụng thân thiện, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bắt đầu từ giám định pháp y cho đến xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em tham gia quá trình tư pháp chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung...

Mặt khác, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường chưa được quan tâm đúng mức; các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh chưa biết rõ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, học đường; trách nhiệm phát hiện thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thực hiện chưa đầy đủ. Thiếu các dịch vụ bảo vệ trẻ em, nguồn lực triển khai không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa thường xuyên nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam báo cáo tại hội thảo

Nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại, bạo hành, tổ chức Unicef đã góp ý, đưa ra khuyến nghị xây dựng Chương trình quốc gia phòng chống bạo lực trẻ em đối với Việt Nam. Theo đó, phương pháp tiếp cận khuyến nghị là xây dựng và củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, tiếp cận liên ngành, có sự tham gia và quy định rõ trách nhiệm của từng bộ ngành, các tổ chức xã hội, khuyết khích khu vực tư nhân, đồng thời, có định hướng việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương. Unicef khuyến nghị Việt Nam ở các nội dung: cải thiện hệ thống luật pháp; tăng cường nguồn nhân lực; tăng cường các dịch vụ bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh các dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em; truyền thông thay đổi hành vi và các chuẩn mực xã hội; tăng cường quan hệ đôi tác công tư.

“Như đã trao đổi với chuyên gia cố vấn Unicef, chúng tôi cũng nhận thấy việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia không chỉ tập trung vào các chiến lược dài hạn hay quá tập trung vào các giải pháp trước mắt; nội dung kế hoạch vừa phải có các giải pháp cho kế hoạch trong 5 năm tới và giải quyết các vấn đề trước mắt liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em”, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Đại biểu từ các Bộ ngành, chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia thảo luận những nội dung liên quan

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia quốc tế sẽ chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở khu vực và quốc tế; các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về cơ chế thúc đẩy, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, từ đó, đề xuất và bàn các giải pháp mang tính đột phá tháo gỡ các khó khăn, thách thức hiện nay trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em./.

Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ