Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Xây dựng hệ thống Trung tâm điều dưỡng người có công thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
11:09 AM 26/11/2021
(LĐXH) - Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Cùng với việc ban hành nhiều chính sách trong lĩnh vực người có công, thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống các Trung tâm điều dưỡng người có công ở các tỉnh, thành phố nhằm thực hiện tốt công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho những người có công với cách mạng.
Hệ thống Trung tâm điều dưỡng người có công đã thực hiện tốt vai trò, chức năng trong việc nuôi dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho  người có công với cách mạng
Thống kê hiện nay, cả nước có trên 695.480 người có công với cách mạng được hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm với hai hình thức là điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình; 750.000  người có công hưởng chế độ điều dưỡng hai năm một lần. Người có công với cách mạng đa số ở độ tuổi cao, sức khỏe yếu, tuổi đời gần 70 tuổi, họ cần phải được hưởng chế độ điều dưỡng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn với số lượng thời gian, chế độ chăm sóc bồi dưỡng, điều trị sức khỏe cao hơn, khoa học hơn. Nhằm đáp ứng nhu cầu điều dưỡng chăm sóc sức khỏe, hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng đã được quan tâm đầu tư xây dựng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ưu đãi người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt đầu tư xây dựng các dự án Trung tâm điều dưỡng người có công và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ (Ban Quản lý dự án) trực tiếp quản lý các dự án. Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý dự án theo quyết định của Bộ, Ban Quản lý dự án đã nhanh chóng củng cố đội ngũ nhân sự, tổ chức tiếp nhận, triển khai các công việc quản lý dự án; bố trí, phân công cán bộ có đủ điều kiện năng lực đảm nhiệm vị trí Giám đốc quản lý dự án và thành lập Ban Điều hành dự án. Thực tế triển khai các công việc quản lý dự án do Ban Quản lý thực hiện đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ và được chủ đầu tư ghi nhận.
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Tây Ninh được quan tâm đầu tư xây dựng đáp ứng tốt công tác điều dưỡng người có công
Trong hệ thống các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Tây Ninh, địa chỉ tại phường 3 và phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh, với mục tiêu thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công thông qua việc điều dưỡng những đối tượng người có công của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh lân cận chưa có Trung tâm điều dưỡng người có công. Trung tâm được đầu tư xây dựng với quy mô về cơ sở vật chất và con người đủ điều kiện năng lực có thể đón tiếp phục vụ khoảng 80 người đến nghỉ dưỡng cùng một thời điểm, góp phần thiết thực vào việc thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công. Bình quân hàng năm, Trung tâm có thể phục vụ điều dưỡng khoảng hơn 3.200 đối tượng người có công của tỉnh và khoảng 6.800 đối tượng người có công từ các tỉnh lân cận, góp phần ổn định chính trị xã hội, củng cố nét đẹp, tính ưu việt của đời sống xã hội, nền văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, công trình sẽ là một điểm nhấn kiến trúc của địa phương, tô điểm cho bộ mặt kiến trúc phong cảnh của thành phố Tây Ninh trong mối quan hệ tổng hòa.
Với quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất hàng năm có thể phục vụ điều dưỡng cho khoảng 140.000 người có công 
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu điều dưỡng đối tượng người có công ở các tỉnh, thành phía Nam, năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (Khu điều dưỡng luân phiên người có công các tỉnh Nam Bộ), đặt tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với diện tích hơn 38.000 m2. Công trình được đầu tư xây dựng với tính chất và chức năng điều dưỡng luân phiên cho người có công. Trung tâm được xây dựng tại khu quy hoạch của thị trấn định hướng phát triển dịch vụ du lịch, do vậy đảm bảo các yêu cầu về phát triển kiến trúc đô thị. Với việc quy hoạch phát triển các đơn vị trực thuộc Bộ, Trung tâm được giao nhiệm vụ chính là chăm sóc, điều dưỡng cho các đối tượng người có công với cách mạng của 19 tỉnh miền Đông Nam Bộ, với tổng số đối tượng đến điều dưỡng hàng năm khoảng 140.000 người.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất được đầu tư xây dựng với cảnh quan xanh, sạch, đẹp, là môi trường điều dưỡng lý tưởng cho người có công
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và người có công Long Đất chính thức thành lập từ năm 1977 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, có nhiệm vụ là tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh nặng, thương bệnh binh tâm thần nặng mãn tính, điều dưỡng luân phiên cho người có công các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên đón nhận các đoàn thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng của các tỉnh, thành về điều dưỡng có thời hạn. Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã nuôi dưỡng và điều trị trên 500 lượt thương binh nặng. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 53 thương bệnh binh của 20 tỉnh thành trong cả nước, đây là những thương binh nặng 1/4, khả năng lao động giảm trên 81%. Ngoài việc nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho các đối tượng trên, mỗi năm Trung tâm được giao tổ chức điều dưỡng luân phiên từ 2.500 đến 2.700 lượt người có công của các tỉnh, thành phía Nam, đồng thời hỗ trợ điều trị cho 22 thương bệnh binh nặng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã về an dưỡng tại gia đình.
Đặc biệt, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu điều dưỡng luân phiên của các đối tượng trong tỉnh và thu hút nhiều đối tượng chính sách của các tỉnh lân cận về nghỉ dưỡng. Tháng 10/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 2), với mục tiêu tăng quy mô và nâng cao chất lượng điều dưỡng của Trung tâm, đáp ứng nhu cầu điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công với cách mạng của tỉnh Lâm Đồng và các địa phương trong khu vực. Trung tâm được xây dựng với quy mô 96 giường điều dưỡng luân phiên, có diện tích 34.727 m2, địa điểm tại số 4, đường Trần Quang Diệu, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Với lợi thế nằm trên một đồi thông thoáng mát, cạnh Dinh Bảo Đại, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 03 km về hướng Bắc, Trung tâm từ lâu đã trở thành một khu nghỉ dưỡng lý tưởng cho người có công với cách mạng tỉnh Lâm Đồng và những tỉnh, thành khác trong cả nước.
 Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã chú trọng thực hiện tốt công tác điều dưỡng, được người có công trong và ngoài tỉnh đánh giá cao
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có gần 40.000 người có công, trong đó có 5.050 gia đình liệt sĩ, 275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 04 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 3.939 thương binh, 1.976 bệnh binh, 94 cán bộ lão thành cách mạng, 120 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.101 người có công với cách mạng, 20.500 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 2.555 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 845 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày. Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, động viên được nguồn lực, sức mạnh cộng đồng để chăm lo đời sống gia đình chính sách.
Trong năm 2019, Trung tâm phục vụ tổng cộng 36 đoàn người có công đến điều dưỡng, với 2.442/1.600 đối tượng, vượt 52,6% so với kế hoạch đầu năm, trong đó số đối tượng trong tỉnh là 167 người và đối tượng ngoài tỉnh là 2.275 người. Trung tâm cũng thực hiện tốt quy trình điều dưỡng, phục vụ tận tình chu đáo, tạo điều kiện cho người có công khám bệnh ban đầu, đọc sách báo, chơi thể thao, tập dưỡng sinh, tham quan các danh lam thắng cảnh của Đà Lạt. Đồng thời, tổ chức mời cán bộ Ban Tuyên giáo Học viện Lục quân Đà Lạt về nói chuyện thời sự, nhằm tạo điều kiện cho đối tượng hiểu thêm tình hình chính trị trong nước và thế giới khi đến nghỉ dưỡng tại đây. Trong mỗi đợt điều dưỡng, Trung tâm tổ chức một đêm văn nghệ giao lưu giữa đội văn nghệ của Học viện Lục quân và đối tượng người có công đến nghỉ dưỡng. Thường xuyên thay đổi các món ăn cho hợp khẩu vị của từng vùng, miền, đảm bảo chất lượng ăn uống và thực hiện theo quy trình các bước tổ chức bữa ăn đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, sổ sách ghi chép lưu mẫu đầy đủ theo quy định. Trong quá trình đón tiếp và tổ chức điều dưỡng, cán bộ nhân viên luôn đón tiếp niềm nở, phục vụ đối tượng ân cần chu đáo, Y sĩ luôn phục vụ 24/24h phát hiện bệnh và sơ cứu kịp thời. Với những trường hợp đối tượng người có công khi đến điều dưỡng bị bệnh nặng, Trung tâm luôn nhiệt tình chăm sóc, kịp thời đưa đi bệnh viện. Với cảnh quan môi trường thoáng đãng, không gian yên tĩnh, thơ mộng và hít thở một không khí trong lành mát mẻ, cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp, phục vụ tận tình, chu đáo, Trung tâm Điều dưỡng người có công Lâm Đồng thực sự trở thành nơi điều dưỡng lý tưởng cho người có công và du khách.
Có thể nói, hoạt động của các Trung tâm điều dưỡng người có công đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm tấm lòng tri ân của Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đối với các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Việc thường xuyên cải tạo, xây mới, đầu tư trang thiết bị đối với các Trung tâm Điều dưỡng người có công nhằm tăng cường cơ sở vật chất phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng thương, bệnh binh là trách nhiệm và tình cảm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đối với các thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Với vai trò là Ban quản lý chuyên ngành thực hiện chức năng chủ đầu tư và quản lý dự án đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ thường xuyên phối hợp với Cục Người có công, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các tỉnh đề xuất, kiến nghị với Bộ về quy hoạch, xây mới, cải tạo và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động điều dưỡng ... để xây dựng hệ thống Trung tâm điều dưỡng người có công là địa chỉ tin cậy về điều dưỡng người có công, góp phần cùng với các ngành, các địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”./.

Hồng Phượng - Phương Phin
 
 
 
TAG:
Tin khác
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường
Hiệu quả các dự án giảm nghèo bền vững ở huyện Hương Sơn
Thái Nguyên tập trung thực hiện công tác giảm nghèo
Triển khai công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở Mỹ Xuyên
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững