Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên
02:52 PM 19/09/2024
(LĐXH) - Xâm hại tình dục trẻ em là tội phạm không mới, nhưng luôn là vấn đề “nóng”, xâm hại tình dục trẻ em không đơn thuần là một loại tội phạm, mà đó là một tội ác. Gia đình là môi trường sống đầu tiên của trẻ, do đó, mỗi thành viên trong gia đình, trước hết là cha mẹ phải là người tiên phong trong việc phòng, chống xâm hại cho những đứa trẻ của mình.

Xâm hại tình dục trẻ em có thể được hiểu một cách chung nhất là sự xâm phạm đến quyền tự do, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của trẻ em. Khái niệm trẻ em được quốc tế sử dụng thống nhất trong các Công ước quốc tế. Theo đó, trẻ em là một thuật ngữ nhằm chỉ một nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người. Trẻ em là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người, trẻ em có những đặc điểm cơ bản trong mỗi nhóm tuổi nhất định.

Điều 16 trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em nêu rõ: "Các bậc cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ con cái của mình tránh mọi nguy cơ bị xâm hại tình dục dưới mọi hình thức khác nhau (từ những lời nói bóng gió, những cái vuốt ve mơn trớn, tiếp xúc bằng tay đến những sự phô diễn xấu xa và hành vi cưỡng dâm). Không một ai, kể cả cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, anh em, họ hàng, thầy cô giáo, hàng xóm hay người xa lạ với gia đình có thể lạm dụng và xâm hại trẻ em về mặt tình dục. Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác. Nếu cha mẹ hay những người có trách nhiệm chăm sóc các em nhận thấy những điều đó mà không báo cho các nhà chức trách thì bị coi là kẻ đồng phạm".

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 Khoản 3, Điều 72 cũng chỉ rõ, cha mẹ có thể tìm hiểu trách nhiệm của bản thân mình qua nhiều kênh, phương tiện, hình thức khác nhau, như: học tập, phương tiện truyền thông và Internet, bạn bè, các cơ quan chức năng có liên quan đến trẻ em…

Việc dạy con kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn và phát triển toàn diện cho con cái. Cha mẹ có trách nhiệm cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để nhận biết và đối mặt với nguy cơ xâm hại tình dục. Bằng tình yêu, sự hiểu biết và điều kiện của bản thân, cha mẹ hoàn toàn có thể xác định được vai trò khó có thể thay thế, trách nhiệm to lớn của bản thân trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nói chung và phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.

Ở từng độ tuổi khác nhau, mức độ nhận thức khác nhau, cha mẹ, người chăm sóc cần quan tâm, cung cấp các kiến thức cần thiết giúp trẻ tự bảo vệ mình

Nhiều tài liệu truyền thông, sách báo cung cấp cho các bậc cha mẹ những thông tin thiết thực, hữu ích để giúp con tự tin về kiến thức cũng như ứng xử một cách đúng đắn, tránh bị xâm hại tình dục. Theo đó, cha mẹ có thể tham khảo những việc có thể đồng hành, bảo vệ con cái:

Nói sớm và cụ thể về các bộ phận trên cơ thể

Với trẻ từ 2-8 tuổi đây là độ tuổi con còn chưa có nhiều sự hiểu biết nên cha mẹ cần dạy con các bộ phận trên cơ thể - các vùng kín bằng các tên riêng cho các bộ phận trên cơ thể từ thực tế và gọi chúng bằng những tên đơn giản, dễ nhớ. Luôn nhắc với con rằng những phần riêng tư con không phải cho người khác xem; những ai có quyền được chạm, nhìn thấy chúng khỏa thân.

Lứa tuổi 8-15 tuổi, con đã đủ nhận thức khi được cha mẹ nói tên, ý nghĩa của tất cả các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt nói rõ cho con về cơ quan - bộ phận sinh dục của nam và nữ để giúp con phát hiện và nói được những điều gì đó không phù hợp xảy ra.

Dạy con về ranh giới cụ thể và hành vi phù hợp

Cha mẹ nên dạy cho con về khái niệm ranh giới cá nhân: đâu là vùng an toàn, đâu là vùng có nguy cơ và cuối cùng đâu là vùng cảnh báo nguy hiểm khi người khác chạm vào. Từ đó giúp trẻ nhận ra quyền của mình trong việc xác định và bảo vệ ranh giới cá nhân, những hành vi đúng mực với cơ thể mình và người khác. Đâu là những hành động của người khác mà con có thể chấp nhận, đâu là những hành động của người khác trẻ nên từ chối và tránh né.

Xây dựng môi trường an toàn

Cha mẹ rất hay bỏ qua điều này và hầu hết các vụ xâm hại tình dục thường xảy ra trong các môi trường quen thuộc xung quanh cuộc sống của con.

Cha mẹ hãy trò chuyện với con về những nơi và những người mà cho con cảm giác an toàn, không an toàn và cảm thấy nguy hiểm bằng cách: Thiết lập những hành vi cảm xúc; Vẽ vòng tròn an toàn với 3 vòng lần lượt: Người có thể tiếp xúc gần, người cần giữ khoảng cách, người con cho là nguy hiểm và điền tên.

Xây dựng mối quan hệ thân thiết, đồng cảm với con

Con luôn cảm thấy an toàn và muốn chia sẻ tất cả mọi cảm xúc vui - buồn - tức giận hay lo sợ với cha mẹ khi con cho rằng cha mẹ luôn tin tưởng và ủng hộ chúng. Điều này giúp con cảm thấy an toàn hơn khi chia sẻ những trải nghiệm và nỗi lo sợ của mình. Cha mẹ được khuyến khích đóng vai trò như một người bạn, chia sẻ với con những câu chuyện xung quanh con trên tinh thần lắng nghe và tôn trọng.

Cách xác định và phản ứng đúng đắn

Cha mẹ hãy trò chuyện với con về những tình huống diễn ra trong cuộc sống về tình yêu hay các câu chuyện về xâm hại tình dục thường xảy ra để con đưa ra những cách nhìn của mình, đánh giá và giúp con nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm, giúp con biết cách phản ứng với tình huống không an toàn, bao gồm những việc la hét khi có người đụng chạm, tránh xa và tìm nơi an toàn, tìm người giúp đỡ và báo cho người lớn đáng tin cậy...

Đồng thời, thông qua các lớp học tự vệ, lớp học kỹ năng sống hay các cộng đồng về bảo vệ quyền trẻ em - ngăn chặn bạo lực, tình dục với trẻ em, cũng là một phương thức giúp con trẻ có thêm sự tự tin và khả năng tự bảo vệ mình.

Trần Huyền

TAG: BVTE
Tin khác
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’