Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Xã hội hóa công tác chăm lo đời sống người có công ở Bắc Giang
02:07 PM 05/08/2020
(LĐXH) Công tác chăm lo đời sống người có công (NCC) những năm qua luôn được các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tích cực hưởng ứng, góp phần nâng cao đời sống NCC, thể hiện sự tri ân của chính quyền và nhân dân trong tỉnh đối với những mất mát, hy sinh của những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách.
Theo thống kê của Phòng NCC, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 160 nghìn đối tượng chính sách. Trong đó, có 21 nghìn liệt sĩ; 21,6 nghìn thương binh, bệnh binh; hơn 1,3 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH); còn lại là người hoạt động kháng chiến, nạn nhân chất độc  da cam… Hiện còn hơn 27 nghìn NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Cùng với việc giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách với NCC theo quy định của Nhà nước, “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức xã hội, DN và mọi tầng lớp nhân dân. 
Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm, UBND tỉnh, Sở LĐTBXH ban hành kế hoạch, chỉ đạo các địa phương mở đợt cao điểm vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp. Kết quả, trung bình mỗi năm, thu được khoảng 1,5 tỷ đồng, ưu tiên kinh phí tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, giúp vốn, cây con giống… cho đối tượng chính sách hoàn cảnh khó khăn. 
Đặc biệt, năm 2019, 100% hộ nghèo thuộc diện NCC trong toàn tỉnh đã thoát nghèo. Ông Phạm Trọng Ý, Trưởng phòng NCC cho biết: “Mỗi ngành, mỗi đoàn thể, người dân đều có cách tri ân riêng của mình. Nhưng họ đều coi đây là việc làm ý nghĩa nhằm thể hiện lòng biết ơn, báo đáp những hy sinh của những người đã anh dũng ngã xuống hoặc hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc”.
Tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị có cách làm sáng tạo thể hiện lòng thành kính, ghi nhớ công ơn NCC. Điển hình như huyện Việt Yên, ngoài kinh phí hỗ trợ của cấp trên, huyện đều dành ngân sách bố trí cho hoạt động tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ; đồng thời, chỉ đạo mỗi cơ quan, đoàn thể nhận giúp đỡ ít nhất một trường hợp thuộc diện chính sách. 
Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Động vận động hội viên góp quỹ hỗ trợ hội viên khó khăn sửa chữa, xây mới nhà. Huyện Yên Dũng giao Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng. 
Đoàn thanh niên Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang
thăm, tặng quà gia đình liệt sỹ
Chia sẻ về cách làm của địa phương, ông Phạm Trí Dũng, Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Yên Dũng cho biết: “Trong kế hoạch triển khai các hoạt động chăm lo cho NCC dịp 27/7 hằng năm, chúng tôi tham mưu với UBND huyện tổ chức quán triệt tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên các hội, đoàn thể... nêu gương ủng hộ. Cùng đó, gửi thư kêu gọi tới các DN đứng chân trên địa bàn, những con em địa phương đang học tập, sinh sống ở ngoài tỉnh, nước ngoài để huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ NCC”.
Dù không có con số thống kê cụ thể nhưng trong số NCC, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp có cuộc sống khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do mất sức lao động, trong gia đình có nhiều người phụ thuộc, đau ốm dài ngày với chi phí điều trị tốn kém; thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất dẫn đến thu nhập thấp và không ổn định; không đủ điều kiện cải tạo nhà ở... 
Chính vì vậy, từ các nguồn xã hội hóa, ngành LĐTBXH, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương có hình thức hỗ trợ phù hợp theo hoàn cảnh thực tế, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng.
Công tác xã hội hóa chăm lo cho NCC còn ghi nhận sự chung tay tích cực của nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu trong số này phải kể đến Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên) với hoạt động tặng quà đối tượng chính sách hoàn cảnh khó khăn nơi DN đứng chân; Công ty TNHH Việt Thắng (TP Bắc Giang) dành kinh phí giúp hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh phát triển mô hình kinh tế; Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang hỗ trợ hộ chính sách các loại giống lúa, rau màu chất lượng; Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG (TP Bắc Giang) hằng năm tổ chức gặp mặt, trao quà cho lao động thuộc gia đình chính sách.
Với Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa), hoạt động xây nhà tình nghĩa cho NCC được DN duy trì thường niên từ năm 2012 đến nay. Ông Nguyễn Thanh Thủy, phụ trách bộ phận kế toán Công ty cho hay: Ngoài trích lợi nhuận ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp gần 1 tỷ đồng, lựa chọn những trường hợp thuộc diện chính sách gặp khó khăn đột xuất để tặng quà, trung bình mỗi năm, công ty dành hơn 200 triệu đồng hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.
Là một trong 4 trường hợp vừa được trao kinh phí cải tạo nhà ở, ông Nguyễn Quang Linh (SN 1959), thương binh hạng ¾ ở thôn Lạc Yên 1, xã Hoàng Vân xúc động: “Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, tôi và vợ cố gắng lao động để nuôi dạy các con. Nhưng sức khỏe không tốt nên mọi công việc lớn, nhỏ trong gia đình đều trông vào vợ tôi. Căn nhà xuống cấp, tường nứt, mái dột mà không có điều kiện sửa chữa. Vừa qua, được Công ty Hà Phong giúp đỡ 50 triệu đồng, tôi cố gắng vay mượn thêm anh em họ hàng cùng với khoản tiền tiết kiệm của cả nhà để hoàn thành công trình. Vậy là sắp tới, gia đình tôi không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa bởi đã có căn nhà mới kiên cố, khang trang”.
Thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm, Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn VinGroup) ủng hộ khoảng 2 tỷ đồng cho các hoạt động hướng tới gia đình chính sách như: Hỗ trợ xây nhà tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ… 
Đặc biệt, dịp tháng 7 hằng năm, nhà tài trợ này đều tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, ưu tiên những người đã già yếu, thường xuyên đau ốm, ở địa bàn vùng núi, khó khăn.
Để duy trì hiệu quả công tác chăm lo đời sống NCC, một trong những giải pháp quan trọng là vận động các nguồn xã hội hóa. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân thấm nhuần, phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ủng hộ tích cực, tạo nguồn quỹ giúp đỡ NCC. Các địa phương chủ động nắm bắt hoàn cảnh từng đối tượng chính sách khó khăn trên địa bàn để có hình thức hỗ trợ kịp thời, phù hợp, giúp họ sớm vượt qua khó khăn.
Nhờ huy động nguồn xã hội hóa, đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể. 100% hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% Mẹ VNAH được các cơ quan, đơn vị, DN nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến suốt đời. Hằng năm, có 97% xã, phường làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Mỹ Linh
TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024