Nhận thấy chăn nuôi bò là phương thức chăn nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, các phụ phẩm của cây bắp, rơm rạ nên được sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền, xã Cư Prông đã triển khai mô hình nuôi bò thoát nghèo. Mục đích là giúp cho các hộ nghèo có công ăn việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Mô hình được triển khai trên địa bàn xã với hợp đồng ký kết dự án từ ngày 01/6 đến 30/11/2015 và có 30 hộ tham gia. Đây là những hộ có hoàn cảnh thực sự khó khăn, trong đó có lựa chọn các trường hộ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ nghèo được hỗ trợ vốn 15 triệu đồng/hộ để mua bò giống, sửa sang chuồng trại. Đồng thời, các hộ nghèo còn được tập huấn và hướng dẫn cách chăm sóc, kỹ thuật chăn nuôi bò; sử dụng các nguồn thức ăn sẵn có như bắp, rơm…; cách phòng ngừa dịch bệnh và sử dụng các loại thuốc thú y.
Kết quả cho thấy, các hộ nghèo đều nuôi bò phù hợp với nhu cầu thực tế, từ đó giúp họ có được phương pháp, cách làm mới. Vì vậy, trong quá trình thực hiện dự án các hộ tham gia luôn đồng tình, ủng hộ và hiệu quả mang lại từ dự án là khá cao. Bò đạt tăng trọng khá, bò giống sau khi nuôi đã sinh sản thêm nhiều lứa bò con, giúp các hộ gây đàn đông hơn, xác suất nuôi thành công tương đối cao. Đa phần các hộ nghèo đều phấn khởi vì mô hình đem lại thu nhập ổn định, lại ít rủi ro, dễ nuôi, không tốn công chăm sóc và đầu ra thuận lợi, đạt lợi nhuận khá.
Bên cạnh đó, mô hình cũng giúp người chăn nuôi tiếp cận và nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò từ khâu chọn giống đến đầu tư thức ăn, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, thay đổi dần tập quán chăn nuôi bò thả rong …nên góp phần tạo việc làm và tăng thêm thu nhập ổn định cho người dân.
Theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được xã Cư Prông cũng gặp một số khó khăn trong việc nhân rộng mô hình nuôi bò thoát nghèo như: mô hình được triển khai cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số với trình văn hóa thấp nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Mức hỗ trợ cho hộ nghèo khi tham gia dự án còn thấp không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình.
Để triển khai hiệu quả mô hình nuôi bò thoát nghèo, Ủy ban nhân dân xã Cư Prông có đề xuất, kiến nghị cần tăng nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện việc mua con giống cũng như công tác tuyên truyền, tập huấn được đảm bảo hơn, chất lượng hơn nữa, đồng thời bố trí kinh phí cho cán bộ trực tiếp phụ trách việc thực hiện mô hình và các ban ngành phối hợp đạt kết quả cao.
Thương Hoài