Thủ đoạn tinh vi, nạn nhân khắp cả nước
Công an tỉnh Bắc Ninh, phối hợp với các đơn vị chức năng, vừa triệt phá thành công một đường dây lừa đảo quy mô lớn hoạt động tại Campuchia. Vụ việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi gần 60 đối tượng bị bắt giữ, trong đó có nhiều kẻ cầm đầu, giữ vai trò chủ chốt trong tổ chức tội phạm này.
Từ tháng 5/2024 đến nay, nhóm đối tượng đã lừa đảo hơn 13.000 người trên khắp cả nước, chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng. Băng nhóm này hoạt động chủ yếu tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia.
Thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng rất tinh vi. Các đối tượng giả danh công an, cán bộ thuế, nhân viên ngành điện, giáo dục... gọi điện yêu cầu nạn nhân cập nhật thông tin căn cước công dân, kê khai thuế, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe… Sau đó, chúng dẫn dụ nạn nhân truy cập vào các đường link chứa mã độc để chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng và rút sạch tiền.
Khó khăn trong việc thu hồi tài sản
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 42 đối tượng, tạm giữ hình sự 38 người. Quá trình điều tra đang tiếp tục mở rộng để làm rõ thêm các hành vi rửa tiền và tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), khả năng thu hồi tiền trả cho các bị hại phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan Công an. Nhóm đối tượng đã sử dụng chiêu thức quen thuộc: giả danh Công an, dụ nạn nhân cài phần mềm chứa mã độc để kiểm soát điện thoại và tài khoản ngân hàng.
Sau khi chiếm đoạt tiền, chúng chuyển thành tiền kỹ thuật số nhằm che giấu dấu vết và rửa tiền. Vụ án có sự tham gia của các ông chủ nước ngoài cùng các đối tượng người Việt hoạt động từ Campuchia, gây khó khăn lớn cho công tác điều tra.
Hiện Công an đã khởi tố 38 đối tượng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy vào mức độ phạm tội, số tiền chiếm đoạt, các bị can có thể đối diện mức án 12 năm, 20 năm tù hoặc chung thân (theo Điều 174 BLHS). Ngoài ra, họ có thể bị xử lý thêm về tội Rửa tiền và Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Ngoài án tù, các đối tượng còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Với tội Rửa tiền, mức án cao nhất có thể lên đến 15 năm tù nếu số tiền phạm tội từ 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng (theo Điều 324 BLHS). Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng và bị tịch thu tài sản.
Đối với tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép, tùy thuộc vào tính chất, mức độ phạm tội, số lượng người trốn, ở lại nước ngoài trái phép, hoặc số tiền thu lợi bất chính các đối tượng có thể bị phạt tù cao nhất đến 15 năm tù nếu số người trốn, ở lại nước ngoài trái phép từ 11 người trở lên hoặc số tiền thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên (Khoản 3 Điều 349 BLHS).
Với số tiền chiếm đoạt lên tới 1.000 tỷ đồng, hơn 13.000 người bị hại, vụ án có nhiều tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp, tái phạm nhiều lần. Theo luật sư Hùng, việc thu hồi tài sản sẽ rất khó khăn, do đó, sự hợp tác của các bị hại với cơ quan điều tra là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Trịnh Hải