Vốn tín dụng chính sách chung tay xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng
(LĐXH)- Đóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Đan Phượng (Hà Nội), không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đan Phượng thực hiện.
Là địa phương đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Đan Phượng đang tiếp tục khẳng định là huyện “đầu tàu” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2022, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã của Đan Phượng tiếp tục được công nhận nông thôn mới nâng cao; và huyện đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, 12/15 xã của huyện đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu gắn với các tiêu chí phát triển đô thị. Nhiều địa bàn như: xã Đan Phượng, xã Liên Hà, xã Thượng Mỗ… đều đạt từ ba tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trở lên. Nhiều xã có mức thu nhập bình quân đầu người cao như: Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/người/năm, Tân Lập 82 triệu đồng/người/năm, Đồng Tháp 76,3 triệu đồng/người/năm… Hiện nay, ba xã: Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An của Đan Phượng đang gấp rút hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023. Dự kiến cuối năm 2023, 15 xã của huyện Đan Phượng sẽ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, Đan Phượng là địa bàn rất chú trọng đến cải tạo cảnh quan, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Khách phương xa lâu ngày đến với thăm Đan Phượng đều không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của cảnh quan, đường xá nơi đây. Với những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng đang chuyển mình thành một “vùng quê đáng sống”.
Trong những thành tựu ấn tượng, những đổi thay nhanh chóng của quê hương Đan Phượng không thể không kể tới những đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đan Phượng đã thường xuyên bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để chủ động tham mưu và tích cực chỉ đạo các hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo hướng tập trung ưu tiên tại các xã xây dựng nông thôn mới. Với nguồn vốn tín dụng chính sách trong thời gian qua, NHCSXH huyện đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các chương trình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo việc làm cho người lao động tại nông thôn, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội CSXH huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Bằng cho biết, 9 tháng năm 2023, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn với doanh số cho vay đạt 148 tỷ đồng, cho hơn 3.500 lượt khách hàng được vay vốn, duy trì và tạo việc làm cho gần 3.000 lao động, xây dựng và cải tạo được 1.700 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Để tăng cường hiệu quả nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới, NHCSXH thành phố Hà Nội và NHCSXH huyện Đan Phượng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể gắn công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, hằng năm NHCSXH các cấp chủ động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng chính sách cho 100% các cấp hội đoàn thể nhận ủy thác, trong đó chú trọng nguồn vốn vay xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo hay khó khăn về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư làm ăn, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng được thụ hưởng; các đối tượng chính sách được vay vốn thuận lợi, an toàn, nhanh chóng; giảm thời gian giao dịch tín dụng, tiết kiệm chi phí đi lại của hộ vay. Việc cho vay vốn qua Tổ Tiết kiệm & vay vốn đã làm tăng sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm; giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần duy trì và tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; góp phần cùng huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí phát triển thành quận giai đoạn 2021 – 2025.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với người dân địa phương, chúng tôi theo chân cán bộ NHCSXH huyện Đan Phượng đến thăm một số gia đình đang sử dụng vốn tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế gia đình.
Chị Đỗ Thị Thúy, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: Bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại nuôi lợn và trồng bưởi tôm vàng Đan Phượng từ năm 2008, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn trong trồng trọt, chăn nuôi, làm ăn thua lỗ, nhưng cái thiếu nhất là nguồn vốn. Qua Hội Phụ nữ xã ủy thác, gia đình chị được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, được tư vấn sử dụng nguồn vốn, tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây bưởi tôm vàng Đan Phượng và chăn nuôi lợn. Có vốn trong tay, chị đã tái đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đến nay, gia đình chị có thu nhập ổn định khoảng 120 triệu đồng/năm.
Chị Thúy xúc động cho biết: “Tôi rất cảm ơn Ngân hàng CSXH huyện Đan Phượng đã hỗ trợ gia đình tôi vay vốn để chăn nuôi, trồng bưởi, từ đó giúp gia đình có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững”.
Không chỉ giúp người dân có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, nguồn vốn của NHCSXH còn giúp nhiều người mở rộng sản xuất, canh tác, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên quên hương mình. Chị Đặng Thị Cuối, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng là một minh chứng điển hình.
Chị Cuối chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, chị phải đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan nhiều năm. Trong thời gian đó, chị làm việc trong lĩnh vực canh tác các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Trở về quê nhà, chị ấp ủ ý tưởng áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong thời gian làm việc ở nước ngoài vào phát triển kinh tế gia đình. Năm 2017, khi quyết định đầu tư mô hình trồng rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản, gia đình đã phải thế chấp sổ đỏ được 500 triệu đồng nhưng vẫn không đủ. Tuy nhiên, nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, gia đình chị đã từng bước phát triển mô hình canh tác các loại rau hữu cơ, lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy, sau 6 năm, từ 3 sào rau với số vốn ban đầu 500 triệu, đến nay gia đình chị Cuối đã thành lập Hợp tác xã Cuối Quý trồng rau hữu cơ và cây ăn quả trên diện tích 5ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chị Đặng Thị Cuối thu hoạch rau hữu cơ tại Hợp tác xã Cuối Quý do gia đình chị gây dựng từ một phần vốn vay của NHCSXH huyện Đan Phượng.
Không chỉ từng bước vươn lên làm giàu cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương, chị Cuối còn tích cực chuyển giao, phổ biến kinh nghiệm canh tác các sản phẩm nông nghiệp sạch cho người dân nhiều địa phương trên cả nước.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn An Sơn 1, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, hội viên Hội Phụ nữ của xã Thượng Mỗ nói chung và thôn An Sơn 1 nói riêng luôn có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, trong đó, chủ yếu là trồng bưởi tôm vàng Đan Phượng và chăn nuôi. Vốn tín dụng chính sách là nguồn lực quan trọng góp phần giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo trên địa bàn có điều kiện thoát nghèo bền vững, và từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống. Đến nay, cả 33 hộ vay vốn chính sách ở thôn đều trả nợ đúng hạn nhờ hiệu quả của các mô hình kinh tế dựa vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, có thể nói nguồn vốn tín dụng chính sách còn khá hạn hẹp so với nhu cầu vay vốn của người dân. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của nhân dân ngày càng cao, vì vậy chúng tôi rất mong NHCSXH tiếp tục tạo điều kiện, tăng định mức vốn vay cho các đối tượng vay”./.
Thảo Lan